Kỷ niệm Ngày quốc tế đa dạng địa chất năm 2024

Thứ hai - 21/10/2024 10:40
Nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đa dạng địa chất (06/10) năm 2024 với chủ đề “Bảo tồn quá khứ - Vững chắc tương lai”, các thành viên Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện ý nghĩa nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng địa chất trong việc bảo tồn tài nguyên trái đất cho các thế hệ tương lai, qua đó thúc đẩy đa dạng địa chất và phát triển bền vững.
e32128 89bc571f5e1a485b96607656f201c1f1~mv2
Hội đàm Ngày quốc tế đa dạng địa chất năm 2024 tại trụ sở UNESCO.

Ngày 06/10 hàng năm được UNESCO lựa chọn là Ngày quốc tế đa dạng địa chất nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng địa chất và kêu gọi các quốc gia, cộng đồng trên toàn thế giới chung tay hành động để bảo vệ môi trường tự nhiên. Theo Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, đa dạng địa chất được hiểu là sự đa dạng của các yếu tố phi sinh trong tự nhiên, bao gồm khoáng vật, các loại đá, hóa thạch, đất, trầm tích, địa mạo, địa hình, các quá trình, hình thái địa chất và các đặc điểm thủy văn như sông và hồ. Đa dạng địa chất làm nền tảng cho đa dạng sinh học và là cơ sở của mọi hệ sinh thái nhưng có những giá trị độc lập riêng với đa dạng sinh học.

Tại trụ sở UNESCO, Ban thư ký đã phối hợp với các phái đoàn thường trực của Kazakhstan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh và Bắc Ireland tổ chức các cuộc hội đàm nhằm tìm hiểu cam kết của UNESCO trong việc thúc đẩy đa dạng địa chất và phát triển bền vững. Nhân dịp này, các thành viên trong Mạng lưới CVĐC toàn cầu đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện ý nghĩa, bổ ích như: hội nghị, triển lãm, tham quan, khảo sát thực địa… để tìm hiểu về các giá trị di sản sinh học, địa chất, khảo cổ, kiến ​​trúc và tiềm năng du lịch trong vùng CVĐC.

z5951691690774 1c9a2f91266c2b25771d37e47f7f2595
Các diễn giả tham gia Hội thảo trực tuyến về chủ đề “Bình đẳng giới và đa dạng địa chất”.

Tại Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các thành viên thuộc Mạng lưới CVĐC Việt Nam, các trường đại học… tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc bảo tồn, giữ gìn giá trị di sản địa chất. Tiêu biểu như Lễ ra quân hưởng ứng Ngày quốc tế đa đạng địa chất và giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2024 diễn ra vào ngày 18/10/2024 tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lũng Cẩm Trên do Ban quản lý CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn phối hợp với Huyện đoàn Đồng Văn, UBND xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) tổ chức. Chương trình đã cung cấp kiến thức, kỹ năng và khuyến khích thế hệ trẻ tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, phòng tránh rủi ro thiên tai.

z5951691681830 7343df6004594be3622d72ffa57560ec
Đại diện Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng chia sẻ tham luận “Bảo tồn gắn với phát triển bền vững và công bằng trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng”.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đa dạng địa chất năm 2024, ngày 15/10, CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tham gia Hội thảo trực tuyến về chủ đề “Bình đẳng giới và đa dạng địa chất” do CVĐC toàn cầu UNESCO Khorat (Thái Lan) và CVĐC toàn cầu UNESCO Merangin Jambi (Indonesia) tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Ủy ban CVĐC quốc gia Indonesia, các CVĐC toàn cầu UNESCO Merangin Jambi (Indonesia), Khorat (Thái Lan), Non nước Cao Bằng và Guangwushan-Nuoshuihe (Trung Quốc).

Hội thảo khẳng định vai trò của các giá trị đa dạng địa chất gắn với lịch sử phát triển của Trái đất, đồng thời là nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Ghi nhận những giá trị to lớn của đa dạng địa chất, Hội thảo đề cao trách nhiệm quan trọng của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ và giữ gìn giá trị đa dạng địa chất cho các thế hệ mai sau. Tại Hội thảo, các diễn giả lần lượt trình bày và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới và đa dạng địa chất tại các CVĐC trong Mạng lưới.

12
Điểm di sản động Ngườm Ngao, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) có giá trị đa dạng địa chất độc đáo.

Tham gia Hội thảo, đại diện Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng chia sẻ tham luận “Bảo tồn gắn với phát triển bền vững và công bằng trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng”, giới thiệu khái quát về CVĐC Non nước Cao Bằng; hoạt động của Ban Quản lý trong công tác bảo tồn các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, tạo sinh kế cho người dân địa phương... Qua đó, hướng tới mục tiêu thúc đẳng bình đẳng giới, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng địa chất, góp phần bảo tồn quá khứ và và duy trì tương lai cho các thế hệ mai sau.

San hô cổ LM BQL
Hóa thạch san hô cổ tại xã Lang Môn (Nguyên Bình) là minh chứng cho sự phát triển và thay đổi địa chất hàng trăm triệu năm trước đây.

Ngày nay, đa dạng địa chất đang phải đối mặt với nguy cơ tổn hại từ nhiều nguyên nhân như: do thay đổi mục đích sử dụng đất, tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, quá tải lượng khách tham quan tại các địa điểm du lịch, biến đổi khí hậu... Đa dạng địa chất có mối liên hệ đến nhiều lĩnh vực của xã hội, do đó việc nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng địa chất là điều cần thiết để thích ứng tốt hơn với các hiểm họa địa chất, tạo cơ hội cho ngành du lịch địa chất phát triển, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2030 và kiến tạo một tương lai xanh, bền vững cho các thế hệ mai sau.

Tác giả bài viết: BQL CVĐC Non nước Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây