Tuyên bố Cao Bằng đề cao vai trò của cộng đồng địa phương trong bảo tồn di sản công viên địa chất

Thứ ba - 08/10/2024 23:24
Ngày 15/9/2024, tại phiên bế mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APGN) năm 2024 tại Cao Bằng, các đại biểu đã thông qua Tuyên bố Cao Bằng với trọng tâm nhấn mạnh vai trò của cộng đồng địa phương trong việc gìn giữ các giá trị di sản địa chất qua cách tiếp cận lấy nhân dân làm trung tâm.
461654365 2859481340868244 2322161820896196711 n
Các đại biểu thực hiện nghi lễ ký Tuyên bố Cao Bằng tại Hội nghị APGN lần thứ 8.

Hội nghị APGN lần thứ 8 đánh dấu chặng đường 20 năm thành lập GGN với sứ mệnh bảo tồn “Ký ức trái đất”, thúc đẩy mối quan hệ nhân văn giữa con người và thiên nhiên. Các thành viên GGN đánh giá cao kết quả của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trong vận hành công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất và văn hóa, tri thức bản địa các dân tộc thiểu số để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, thúc đẩy phát triển bền vững trước biến đổi mới. Trên cơ sở đó, tại Hội nghị APGN lần thứ 8, Ban điều hành GGN và các thành viên đưa ra Tuyên bố Cao Bằng với 8 nội dung gồm những quan điểm mới tích cực thúc đẩy các CVĐC thực hiện khuyến nghị của GGN và UNESCO.

a879e5ac a1ff 426d 87c0 d22914019081
Các đại biểu chứng kiến ký kết Tuyên bố Cao Bằng tại Hội nghị APGN lần thứ 8.

Tuyên bố Cao Bằng khẳng định vai trò quan trọng của các CVĐC trong khu vực và toàn cầu trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và duy trì mối quan hệ hài hòa giữa nhân loại và thiên nhiên. Khuyến nghị tất cả các bên liên quan, chính quyền địa phương và khu vực đều được tham gia trong quá trình quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO. Trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số và các tri thức bản địa trong khu vực CVĐC. Khuyến nghị “lấy nhân dân làm trung tâm” đặc biệt là dân tộc thiểu số, tham gia bảo tồn và quảng bá các khu vực CVĐC. Khẳng định sự đa dạng về địa chất, sinh học và văn hóa xã hội có mối liên hệ chặt chẽ để thúc đẩy phát triển bền vững, thúc đẩy và đóng góp vào 17 mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, đặc biệt là trong giảm nghèo, giáo dục chất lượng, quan hệ đối tác vì các mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm bất bình đẳng và bình đẳng giới, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản và tài nguyên thiên nhiên hướng đến phát triển kinh tế - xã hội xanh, bền vững, chủ động ứng phó và xây dựng chiến lược lâu dài về giải quyết những vấn đề toàn cầu.

DSC05376
Ông Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO đọc Tuyên bố Cao Bằng.

Nội dung Tuyên bố Cao Bằng như sau:
Lời mở đầu: Trước những mất mát và đau thương do thiên tai gây ra, đặc biệt là cơn bão Yagi gần đây, Cộng đồng Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APGN) nhận thức rõ sự cấp bách của việc thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường Trái Đất. Chúng tôi ghi nhận vai trò quan trọng của các CVĐC toàn cầu trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và duy trì mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Chúng tôi, 800 đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến từ 19 quốc gia - đại diện cho các CVĐC toàn cầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các bên liên quan khác - đã tụ họp tại CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Việt Nam, từ ngày 10/9 đến 15/9 năm 2024 để tiếp tục triển khai các khái niệm quản lý CVĐC toàn cầu của UNESCO và kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới CVĐC toàn cầu. Hướng tới chủ đề của Hội nghị APGN lần thứ 8 "Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong CVĐC toàn cầu UNESCO", chúng tôi tuyên bố như sau:
1. Chúng tôi khẳng định rằng, như đã nêu rõ trong Chương (v) của hướng dẫn CVĐC UNESCO được UNESCO thông qua vào tháng 11/2015, CVĐC toàn cầu UNESCO cần chủ động thu hút cộng đồng địa phương, người dân tộc thiểu số với tư cách là các bên liên quan chính trong CVĐC. Cần phải xây dựng và thực hiện kế hoạch đồng quản lý, trong đó đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội, đồng thời bảo vệ cảnh quan nơi sinh sống và bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương, người dân tộc thiểu số. Bên cạnh khoa học, kiến thức, thực hành và hệ thống quản lý của họ cần được đưa vào quy hoạch và quản lý khu vực. Khuyến nghị rằng tất cả các chủ thể và chính quyền cấp địa phương và khu vực có liên quan nên được đại diện trong việc quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO.
2. Phù hợp với các chính sách của UNESCO liên quan đến cộng đồng địa phương, người dân tộc thiểu số, phát triển bền vững và của CVĐC toàn cầu, chúng tôi khẳng định vai trò của cộng đồng địa phương, người dân tộc thiểu số trong việc xác định, bảo tồn và quảng bá các khu vực CVĐC. Với cách tiếp cận lấy nhân dân làm trung tâm, cộng đồng địa phương là các bên liên quan và tham gia vào quy trình xác định, đề cử, quản lý và bảo tồn CVĐC toàn cầu UNESCO cũng như trong việc quảng bá di sản.
3. Chúng tôi khẳng định rằng sự đa dạng về địa chất, sinh học và văn hóa có mối liên hệ mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau. Các hoạt động của con người có thể phù hợp với các giá trị của CVĐC khi được thực hiện theo cách bền vững về mặt sinh thái. Cần tính đến bối cảnh kinh tế xã hội và mối quan hệ giữa các bên liên quan trong việc đánh giá một cách toàn diện về tầm quan trọng của di sản ở các cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc quản lý CVĐC một cách hiệu quả.
4. Chúng tôi nhận thấy rằng cần phải xác định, bảo tồn và tối ưu hóa việc khai thác di sản phi vật thể để chuyển tải những câu chuyện về các quá trình địa chất, lịch sử miền đất, văn hóa, nghi lễ, tín ngưỡng của người dân địa phương, để thu hút sự tham gia của của cộng đồng địa phương và tăng cường tiềm năng du lịch của CVĐC.
5. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ địa phương, ngôn ngữ dân tộc thiểu số và các tri thức liên quan trong khu vực CVĐC. Các ngôn ngữ này nên được xuất hiện trên tất cả các ấn phẩm truyền thông của CVĐC toàn cầu UNESCO (trang web, pa-nô, tờ rơi, v.v.).
6. Do các CVĐC toàn cầu UNESCO được triển khai theo cách tiếp cận từ dưới lên, chúng tôi nhận thấy rằng các CVĐC toàn cầu UNESCO đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, đóng góp vào 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, đặc biệt là xoá đói giảm nghèo, giáo dục có chất lượng, hợp tác, hành động vì khí hậu/giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm bất bình đẳng và bình đẳng giới.
7. Chúng tôi, những đại biểu tham gia Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ghi nhận giá trị của Hội nghị Mạng lưới CVĐC toàn cầu Châu Á - Thái Bình Dương, dưới sự bảo trợ của Mạng lưới CVĐC toàn cầu, là diễn đàn dành riêng cho các ý tưởng nhằm cải thiện hơn nữa việc quản lý, quản trị CVĐC toàn cầu UNESCO ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Để triển khai các ý tưởng này, chúng tôi kêu gọi các nỗ lực ở các cấp địa phương, khu vực và quốc tế nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Mạng lưới CVĐC toàn cầu Châu Á - Thái Bình Dương, Mạng lưới CVĐC toàn cầu và các Mạng lưới CVĐC toàn cầu các khu vực khác, hướng tới thiết lập một khuôn khổ toàn diện cho công tác bảo tồn, phát triển bền vững CVĐC, đồng thời xây dựng tầm nhìn dài hạn cho Mạng lưới CVĐC toàn cầu. Chúng tôi cũng tìm kiếm cách thức tăng cường trao đổi kiến thức và khuyến nghị chính sách về các thực tiễn tốt nhất, thúc đẩy các chương trình quản lý rủi ro và giảm thiểu thiên tai trong CVĐC, đồng thời tăng cường các chương trình giáo dục và xây dựng năng lực để trao quyền cho thanh niên trong công tác bảo tồn CVĐC.
8. Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới Chính phủ Việt Nam, tỉnh Cao Bằng và tất cả các bên liên quan khác đã tổ chức Hội nghị này, và tạo cơ hội hợp tác và kết nối tuyệt vời để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của CVĐC toàn cầu UNESCO nhằm duy trì cộng đồng địa phương và giảm thiểu rủi ro địa chất cũng như chống biến đổi khí hậu trong tương lai gần.

4616b51a e644 48fe 90ed 57060a376cf9
Tiết mục biểu diễn văn nghệ dân tộc Dao Tiền trong Hội nghị APGN lần thứ 8.

Tuyên bố Cao Bằng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, nhất trí cao của toàn thể đại biểu tham dự Hội nghị APGN lần thứ 8. Đại diện các CVĐC đã đưa ra quan điểm riêng, tích cực hưởng ứng thực hiện Tuyên bố Cao Bằng với kỳ vọng thúc đẩy CVĐC phát triển lên tầm cao mới. Đặc biệt, các đại biểu đề xuất cần nâng cao nhận thức, triển khai hiệu quả giáo dục tri thức khoa học về trái đất cho thế hệ trẻ làm hành trang bước vào tương lai. Qua đó thúc đẩy thực hiện Tuyên bố Cao Bằng để giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với trách nhiệm bảo vệ các giá trị di sản CVĐC, bảo vệ thiên nhiên môi trường, kiến tạo một trái đất xanh - ngôi nhà chung thịnh vượng, bình yên cho nhân loại.

 

Tác giả bài viết: BQL CVĐC Non nước Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây