Khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thứ năm - 12/09/2024 13:09
Sáng 12/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN) năm 2024 tại Cao Bằng với chủ đề “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC” chính thức khai mạc, có hơn 800 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
409b2639 f42a 472f ac10 ecc09c765a98
Khai mạc Hội nghị APGN lần thứ 8.

Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Nông Thị Hà; lãnh đạo các tỉnh: Lạng Sơn, Hà Giang, Đắk Nông, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng.

z6081545815764 1d6fcdc5a9ac8d28938345881ae8d09d
Các đại biểu dự khai mạc Hội nghị APGN lần thứ 8.

Đại biểu tổ chức UNESCO và Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO có các ông, bà: Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên; Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Nikolas Zouros, Chủ tịch Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO; Jin XiaoChi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

Về phía tỉnh có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị.

z6081564986223 8b7ef41987d1f678e8e3ae42d57e41c5
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị APGN lần thứ 8 phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị chia sẻ: Non nước Cao Bằng vinh dự là địa phương thứ 2 tại Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và Mạng lưới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ tháng 4/2018. Cao Bằng luôn tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động của Mạng lưới. Việc được lựa chọn là địa phương đăng cai Hội nghị APGN lần thứ 8 là vinh dự, khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của CVĐC Non nước Cao Bằng nói riêng, Mạng lưới CVĐC Việt Nam nói chung trong các hoạt động của Mạng lưới CVĐC khu vực và toàn cầu; đồng thời, khẳng định quyết tâm của địa phương trong phát triển danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

z6081562840110 33eb0181d574a232e01c6a0bfd0db5f4
Chủ tịch Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO ông Nikolas Zouros phát biểu.

Trong những năm qua, Cao Bằng luôn kiên định mục tiêu phát triển CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng gắn với bảo tồn các giá trị di sản, tài nguyên môi trường, bảo tồn nghề truyền thống, phát triển du lịch bền vững và giáo dục thế hệ tương lai, phát triển mạng lưới đối tác, chung tay vì cộng đồng phát triển vững mạnh. Để góp phần quảng bá, giới thiệu về danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO tới du khách trong nước và quốc tế, tỉnh đã lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động chính trong khuôn khổ Hội nghị.

Để Hội nghị APGN lần thứ 8 phát huy được vai trò là sự kiện quan trọng của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỉnh mong muốn các đại biểu, thành viên của Mạng lưới cùng tập trung trí tuệ tập thể và trách nhiệm để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về xây dựng và phát triển CVĐC. Từ đó, cùng tìm ra những giải pháp cho những thách thức toàn cầu đang đặt ra hiện nay, đặc biệt là tăng cường vai trò của cộng đồng địa phương, chủ thể của các CVĐC trong các hoạt động bảo tồn, xây dựng và phát huy giá trị CVĐC vì một cộng đồng phát triển vững mạnh.

z6081563576190 db29ce02d43e97ca1912ab935dbe0abb
Ông Jin XiaoChi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO phát biểu tại khai mạc Hội nghị APGN 8.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc khẳng định: Trong các danh hiệu UNESCO, CVĐC toàn cầu được đánh giá là một trong những mô hình phát triển kinh tế, xã hội nổi bật, tạo ra nhiều sự đóng góp thiết thực cho địa phương. Hội nghị CVĐC toàn cầu Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức luân phiên 2 năm 1 lần tại một quốc gia tiêu biểu trong khu vực với mục tiêu chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng, phát triển danh hiệu CVĐC. Năm 2022, tại Thái Lan, trước những đóng góp tích cực trong Mạng lưới, tỉnh Cao Bằng của Việt Nam đã vinh dự được trao quyền đăng cai Hội nghị APGN-8. Đây cũng là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò thành viên tích cực, trách nhiệm và đóng góp thực chất vào các vấn đề chung của Tổ chức UNESCO. Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam rất vui mừng được đồng tổ chức Hội nghị và đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với  UBND tỉnh  trong công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị.

z6081550071475 4881e1b3aa0ec06921833a802e569697
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu tại khai mạc Hội nghị APGN 8.

Trên quan điểm của Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 là “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp là trung tâm” và tinh thần của cán bộ ngoại giao là “phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân”, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã luôn tích cực đồng hành và hỗ trợ Cao Bằng nói riêng và các địa phương Việt Nam nói chung trên chặng đường bảo tồn và phát huy giá trị của các danh hiệu được UNESCO công nhận.

Tại hội nghị, đại diện Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và lãnh đạo, ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO đều bày tỏ những chia sẻ sau sắc với tỉnh Cao Bằng nói riêng và các địa phương của Việt Nam trước những tổn thất nặng nề về người và tài sản của do bão số 3-Yagi, đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Đánh giá rất cao nỗ lực của tỉnh và BTC Hội nghị để đảm bảo các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra theo đúng kế hoạch, đặc biệt trong bối cảnh Cao Bằng và các tỉnh miền Bắc Việt Nam gặp nhiều khó khăn ứng khó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tổ chức UNESCO, Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO kêu gọi cùng quyết tâm bảo tồn di sản của hành tinh; đồng thời, khẳng định sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các CVĐC của Việt Nam, CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các khu vực trên thế giới trong việc xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC toàn cầu theo các tiêu chí của UNESCO, gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

3345ad11 b61a 4898 956e 562599451e67
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ khai mạc.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chia sẻ những khó khăn, mất mát về người và của mà nhân dân Cao Bằng và các địa phương miền núi và trung du Bắc Bộ đang phải đối mặt. Đồng thời, đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân Cao Bằng cũng như các địa phương trong khắc phục thiên tai, sớm ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân và tổ chức thành công Hội nghị APGN 8. Vượt qua những trở ngại của bão, lũ, sự tham dự đông đảo của các vị đại biểu thể hiện quyết tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và các thành viên UNESCO nói chung cùng hành động mạnh mẽ, tăng cường vai trò của cộng đồng địa phương - một trong những giải pháp quan trọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững mà nhân loại đang nỗ lực hướng tới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Là tổ chức duy nhất của Liên Hợp quốc trong lĩnh vực khoa học trái đất, UNESCO hơn 50 năm qua đã phát huy vai trò tiên phong đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao nhận thức và hành động xử lý hài hòa, bền vững mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Mạng lưới CVĐC toàn cầu đóng góp thiết thực trong việc tăng cường gắn kết, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản đặc biệt - di sản địa chất gắn với đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, vì phát triển của cộng đồng, sinh kế của người dân và phát triển bền vững ở khu vực và toàn cầu trong suốt 2 thập kỷ qua.

Phó Thủ tướng cho biết, chỉ còn 10 ngày nữa là đến Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai tại New York để biến lời nói và những cam kết thành hành động cụ thể định hình tương lai bền vững và bao trùm hơn. Đây chính là lúc châu Á - Thái Bình Dương, với vai trò động lực quan trọng, trung tâm phát triển năng động và tự cường của thế giới, cùng chung tay đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức của thời đại, hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi thành viên, người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phó Thủ tướng đề nghị, Hội nghị tập trung thảo luận, làm rõ một số hướng hợp tác mới. Trong đó, cần xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC vì phát triển bền vững. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm hay, điển hình tốt, đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững công viên địa chất toàn cầu. thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên và hợp tác quốc tế phát triển công viên địa chất toàn cầu gắn với phát triển bền vững. Thúc đẩy tầm nhìn dài hạn 5 năm, 10 năm cho phát triển Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu - một mạng lưới hợp tác quốc tế mạnh mẽ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà còn vì các thế hệ tương lai.

Phó Thủ tướng tin tưởng rằng Hội nghị APGN lần thứ 8 và nhiều sáng kiến, dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho định hướng hợp tác về CVĐC toàn cầu sẽ đệ trình Kỳ họp 220 Hội đồng chấp hành sắp tới, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai cũng như Kỳ họp 42 Đại hội đồng UNESCO vào năm 2025.

z5823803960953 26aaf5028459ff6aa7b2dcfcdfcf9c4e
Tiết mục văn nghệ tại Lễ Khai mạc.

Tại lễ khai mạc, các đại biểu xem trình chiếu các video clip cung cấp thông tin và chiêm ngưỡng vẻ đẹp, những giá trị di sản của CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng.

Tác giả bài viết: BQL CVĐC Non nước Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây