Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ bảy - 04/05/2019 11:35
Từ năm 2016 - 2018, du lịch Cao Bằng có những bước tăng trưởng khá, với lượng khách trên 1,2 triệu lượt/năm, tạo động lực phấn đấu đón 2 triệu lượt khách vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu trên, việc nâng cao chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng vừa tạo việc làm ổn định, vừa góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Lớp tập huấn nấu ăn phục vụ khách du lịch tại làng Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên) do Trung tâm Phát triển nông thôn (CRED) và Trung tâm Phát triển cộng đồng (DECEN) tổ chức.
Lớp tập huấn nấu ăn phục vụ khách du lịch tại làng Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên) do Trung tâm Phát triển nông thôn (CRED) và Trung tâm Phát triển cộng đồng (DECEN) tổ chức.

Toàn tỉnh hiện có 250 cơ sở lưu trú du lịch, gần 3.000 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn, trong đó số khách sạn, nhà nghỉ, homestay mới hình thành chiếm 1/3. Ngoài ra còn có hàng trăm hộ kinh doanh nhà hàng ẩm thực, bán đồ lưu niệm, các sản phẩm đặc sản địa phương, thuê xe du lịch... tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động của tỉnh có việc làm và thu nhập. Mỗi loại hình dịch vụ mở ra cơ hội cho những tổ chức, cá nhân tìm việc làm và khởi nghiệp từ các dịch vụ du lịch.  NHÂN LỰC DU LỊCH NHIỀU NHƯNG "YẾU" 
Với chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến nay tỉnh đã thu hút nguồn nhân lực tham gia các loại hình dịch vụ du lịch, như: Du lịch đỏ; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tâm linh; nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; trải nghiệm văn hóa đặc sắc cộng đồng homestay...

Chị Thảo Ly cho biết: Tốt nghiệp đại học, tôi quyết định khởi nghiệp từ dịch vụ homestay tại tổ 23, phường Sông Bằng (Thành phố). Tôi tự học kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước; tìm hiểu trang bị kiến thức về du lịch, ẩm thực, văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số Cao Bằng để giới thiệu cho khách đi trải nghiệm. Mở trang web cá nhân cho khách hàng đánh giá, phản hồi về dịch vụ, tinh thần, thái độ phục vụ và tiếp thu, điều chỉnh để phục vụ khách tốt hơn. Từ năm 2017 đến nay, homestay của tôi được phản hồi, đánh giá tốt trên mạng trở thành điểm đến hài lòng khách du lịch trong và ngoài nước. 
Những năm gần đây, số lượng khách du lịch tăng lên, cơ hội không chỉ mở ra cho loại hình homestay mà với các dịch vụ bán hàng sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương. Hiện nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng), thác Bản Giốc (Trùng Khánh), cổng trời Trà Lĩnh... có hàng trăm hộ được tạo việc làm mới từ tham gia bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương. 
Hiện, tỷ lệ lao động tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trên 0,32% tổng lao động toàn tỉnh. Có hơn 1.000 lao động tại các cơ sở lưu trú nhưng chỉ có 15% được đào tạo về chuyên ngành du lịch; chỉ có gần 10% trong tổng số lao động du lịch có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Đội ngũ thuyết minh viên còn ít và hạn chế về khả năng ngoại ngữ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế...

Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, để thúc đẩy du lịch phát triển đòi hỏi cần nguồn nhân lực đáp ứng cho hoạt động du lịch cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh vẫn ở mức thấp so với các tỉnh lân cận và toàn quốc, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Nguyên nhân do du lịch Cao Bằng đang trong giai đoạn định hình cơ bản các mô hình phát triển du lịch, từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách... để tạo bước đột phá.
Nguồn nhân lực du lịch tỉnh dồi dào nhưng chưa được nâng cao chất lượng do tỉnh chưa có cơ sở đào tạo; ngân sách chi cho công tác đào tạo nhân lực du lịch còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Các doanh nghiệp du lịch chưa đẩy mạnh đào tạo tại chỗ. Một số đơn vị đào tạo nghiệp vụ du lịch mới chỉ chú trọng đào tạo nhân sự, nhân viên du lịch mà "quên" việc đào tạo các nghệ nhân văn hóa, làng nghề, văn hóa ứng xử du lịch cho hộ, cá nhân tham gia các dịch vụ du lịch.

Ngoài ra, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch chưa nêu cao tinh thần tự học hỏi văn hóa ứng xử du lịch, nghiệp vụ du lịch; không quan tâm và không tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức du lịch dẫn đến mặt bằng dân trí về văn hóa ứng xử du lịch còn nhiều hạn chế...     
Tại một số khu du lịch, khi có khách du lịch hỏi mua sản phẩm địa phương, người bán hàng chỉ giới thiệu đơn giản mà không giới thiệu kỹ cho khách về đặc sản địa phương được chế biến ra sao; chất lượng thế nào... Chủ hàng có quan niệm “khách du lịch mua một lần chứ có quay lại mua lần hai nên phải bán giá khác...”. Với nhận thức như vậy thì khó xây dựng được thương hiệu “du lịch Cao Bằng” trong tương lai.
CẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH
Thực thực trạng trên cho thấy, để thực hiện chiến lược phát triển du lịch bền vững cần quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo, dạy nghề và cơ sở nghiên cứu về du lịch; tuyên truyền vận động người dân thực hiện ứng xử văn hóa, văn minh trong du lịch và các loại hình dịch vụ du lịch.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trương Thế Vinh, để nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, ngành sẽ làm cầu nối liên kết giữa cơ sở đào tạo về nghiệp vụ du lịch đã được Tổng cục Du lịch cấp phép với các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp sơ cấp, trung cấp đào tạo nghề về du lịch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý, trưởng các bộ phận và nhân viên của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, bồi dưỡng cho hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch tại điểm.

Đồng thời yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp chủ động cung cấp kế hoạch nhu cầu tuyển dụng với cơ sở đào tạo; phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo ngắn hạn, đánh giá thực chất nhu cầu, chất lượng nguồn nhân lực du lịch... 
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Cao Bằng đến năm 2020. Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước về du lịch được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch; 50% quản lý, các doanh nghiệp, các ban quản lý khu, điểm du lịch được bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh doanh về du lịch; 50% lao động trực tiếp tại các cơ sở dịch vụ du lịch được bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ.

Đến năm 2020, các huyện, Thành phố cơ bản có ít nhất 1 cán bộ được đào tạo về nghiệp vụ phụ trách quản lý nhà nước về du lịch; tổ chức các cuộc thi định kỳ nâng cao tay nghề và nghiệp vụ du lịch. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kiến thức về du lịch, năng lực quản lý nhà nước theo pháp luật, năng lực dự báo, hoạch định, theo hướng chuyên nghiệp hóa, trình độ chuyên môn cao, sử dụng tốt ngoại ngữ và tin học. 
Bên cạnh đó, cần xã hội hóa đào tạo để thu hút nguồn đầu tư của các tổ chức, cá nhân; thông qua hội nhập, hợp tác quốc tế để huy động thêm các nguồn tài trợ cả về vật chất lẫn kiến thức, kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực du lịch của các nước trên thế giới. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo về nhu cầu, nội dung đào tạo du lịch.

Tăng cường, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo của các trường, trung tâm, Sở phối hợp với Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) và Trung tâm Phát triển cộng đồng Cao Bằng (DECEN) đào tạo nguồn nhân lực du lịch về kỹ năng nghề và ngoại ngữ thông qua Dự án "Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng tại tỉnh Cao Bằng"; phối hợp với Dự án VIE-036 hỗ trợ người dân triển khai mô hình phát triển nông nghiệp nhằm phát triển sản phẩm du lịch. 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cần sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng, sự phối hợp của các đơn vị lữ hành và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của nhân dân mới có thể xây dựng thương hiệu “Du lịch Cao Bằng” trở thành điểm đến làm hài lòng khách du lịch.  

Nguồn tin: Hồng Xiêm - Báo Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây