Hiệu quả của mô hình “CLB cùng em khám phá CVĐC” trong hoạt động giáo dục về danh hiệu CVĐC Toàn cầu Unesco trong trường học
Thứ ba - 07/12/2021 05:28
Công viên địa chất toàn cầu là một danh hiệu của tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa, để trở thành một CVĐC toàn cầu UNESCO các CVĐC tiềm năng cần phải đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO như: ranh giới rõ ràng, di sản địa chất tầm cỡ quốc tế, có kế hoạch quản lý, hợp tác quốc tế, đặc biệt là hoạt động giáo dục về CVĐC trong trường học.
Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO vào tháng 4/2018, tuy nhiên Cao Bằng vẫn có 6 khuyến nghị cần phải tập trung triển khai để đảm bảo tốt cho kỳ tái thẩm định, và hoạt động giáo dục về CVĐC trong trường học là một trong những nội dung cần phải được cải thiện, để Cao Bằng chuẩn bị tốt cho kỳ tái thẩm định tiếp theo (dự kiến vào tháng 7/2021).
Nhận thức được những tồn tại trong công tác xây dựng và phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng trong lĩnh vực giáo dục về CVĐC trong trường học, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO tỉnh Cao Bằng, trong đó có sự phân công nhiệm vụ của các đơn vị liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo để phối hợp và chỉ đạo triển khai nội dung giáo dục về CVĐC trong trường học. Hoạt động này đã được cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 63/KH-SVHTTDL-SGD&ĐT về tuyên truyền, giáo dục về CVĐC Non nước Cao Bằng trong trường học giữa Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch và Sở Giáo dục & Đào tạo. Theo đó từ năm học 2017-2019 các trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3 sẽ tổ chức tuyên truyền, giáo dục về CVĐC Non nước Cao Bằng, đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục, phù hợp về đối tượng và tăng cường phối hợp với các bên liên quan đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Nội dung tuyên truyền về: một số thông tin cần thiết về thành lập CVĐC, các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản địa chất- địa mạo…Ngoài ra, các trường cũng đã tích cực dạy học lồng ghép môn Lịch sử, Địa lý địa phương cho học sinh về CVĐC Non nước Cao Bằng.
Mặc dù hoạt động giáo dục CVĐC trong trường học trong giai đoạn 2017-2019 đã đạt được một số kết quả nhất định đặc biệt trong công tác thông tin và tuyên truyền về danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO tới các em học sinh tại các trường trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng. Tuy nhiên các hoạt động tuyên truyền trong Kế hoạch số 63/KH-SVHTTDL-SGD&ĐT vẫn còn một số tồn tại nhất định và vẫn chưa thực sự đáp ứng được tiêu chí của UNESCO đối với một CVĐC toàn cầu UNESCO trong công tác tuyên truyền và giáo dục về CVĐC trong trường học. Quá trình triển khai hoạt động này tại các trường cũng gặp một số vấn đề nhất định, đặc biệt là các trường học gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn nội dung và hình thức triển khai; thầy cô và các em học sinh được phân công tổ chức hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn, vì các nội dung tuyên truyền về CVĐC đều là những kiến thức chuyên ngành mới mẻ với thầy cô và các em học sinh. Báo cáo tổng kết Kế hoạch số 63/KH-SVHTTDL-SGD&ĐT cũng cho thấy rằng 100% các trường đã triển khai tuyên truyền về CVĐC, tuy nhiên nội dung về CVĐC được truyền tải đến các em học sinh rất hạn chế và không đa dạng về hình thức (100% các trường tổ chức ngoại khóa).
Để khắc phục những tồn tại trong hoạt động giáo dục về CVĐC trong trường học, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đã nghiên cứu một số hoạt động và mô hình triển khai các hoạt động giáo dục trong trường học và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng triển khai hoạt động “Câu lạc bộ cùng em khám phá CVĐC”
Mục tiêu của hoạt động là xây dựng đội ngũ học sinh nòng cốt (các học sinh có khả năng hoặc yêu thích các bộ môn ngữ văn, lịch sử, hóa học, địa lý, sinh học,…) để nghiên cứu tìm hiểu về CVĐC dưới sự hướng dẫn của BQL CVĐC và các chuyên gia địa chất. Trên cơ sở hiểu biết và những kiến thức đã nghiên cứu, các thành viên của “CLB cùng em khám phá CVĐC” sẽ xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến về CVĐC cho các bạn học sinh khác ở trong trường học.
Để chuẩn bị triển khai hoạt động này, Ban quản lý CVĐC đã phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo nghiên cứu xây dựng 02 bộ tài liệu: Tài liệu hướng dẫn triển khai mô hình “CLB cùng em khám CVĐC” và Tài liệu khung về triển khai mô hình “CLB cùng em khám phá CVĐC”. Sau khi hoàn thiện 02 bộ tài liệu này, Ban quản lý CVĐC đã phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức đi trải nghiệm và nghiên cứu thực tế tại các điểm di sản nằm trong 3 tuyến trải nghiệm của CVĐC Non nước Cao Bằng cho các thầy cô phụ trách triển khai hoạt động “CLB cùng em khám phá CVĐC” tại 06 trường được lựa chọn thí điểm (03 trường THCS và 03 trường THPT). Sau khi đi thực tế, Ban quản lý CVĐC đã tổ chức Hội thảo đào tạo tiểu giảng viên cho các thầy cô về công tác quản lý, vận hành, hỗ trợ cho các em học sinh triển khai mô hình “CLB cùng em khám phá CVĐC” tại trường mình. Trên cơ sở đó, các trường được lựa chọn thí điểm đã có văn bản thành lập “CLB cùng em khám phá CVĐC”; phối hợp với BQL CVĐC hỗ trợ các CLB tổ chức xây dựng kế hoạch có sự tham gia, cho các thành viên CLB đi trải nghiệm thực tế tại các điểm di sản trong vùng CVĐC để các thành viên CLB hiểu được ý nghĩa và vai trò của việc xây dựng mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO, giá trị các điểm di sản trong vùng CVĐC, phát triển kỹ năng làm việc nhómvà lấy tư liệu (hình ảnh, clip) để phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục về CVĐC cho các bạn học sinh khác trong trường học và cộng đồng dân cư.
Việc kết hợp nghiên cứu tài liệu và tổ chức đi học tập nghiên cứu cụ thể tại các điểm di sản đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục về CVĐC trong trường học. Các thầy cô phụ trách “CLB cùng em khám phá CVĐC” tại các trường đều cho rằng hoạt động “CLB cùng em khám phá CVĐC” rất thiết thực và có ích đối với công tác giảng dạy các môn học trong trường học và tuyên truyền giáo dục về CVĐC. Cô Hà Thị Kim Anh-Giáo viên Tiếng anh trường THCS Hợp Giang-Phụ trách “CLB cùng em khám phá CVĐC” của trường cho rằng: đây là hoạt động cần thiết và hiệu quả. Việc triển khai mô hình cũng thuận lợi nhờ có tài liệu hướng dẫn, học sinh và thầy cô được tập huấn về cách triển khai. Các em học sinh là chủ thể chính và cũng chính là người quyết định lựa chọn hình thức, xây dựng nội dung, tổ chức tuyên truyền và làm truyền thông về hoạt động giáo dục về CVĐC. Qua các hoạt động như vậy các em học sinh trong trường dễ nắm bắt được thông tin và hiểu về CVĐC, vì ngôn ngữ tuyên truyền về CVĐC được thể hiện qua thành viên các CLB là các em học sinh cùng lứa tuổi và cùng nền tảng kiến thức; hình thức triển khai cũng hấp dẫn và thu hút hơn đối với các em học sinh vì đây là những hoạt động do chính các bạn học sinh nghiên cứu và tổ chức thực hiện. Đặc biệt các em học sinh tham gia CLB được phát triển thêm nhiều kỹ năng như kỹ năng truyền thông như chụp ảnh, viết tin, làm clip tuyên truyền quảng bá, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập kế hoạch tổ chức hoạt động có sự tham gia…Cô Phạm Thị Thanh Hiền - Giáo viên bộ môn Hoá học, Trường THCS Hợp Giang cho rằng: hoạt động “CLB cùng em khám phá CVĐC” ngoài việc giúp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục về CVĐC còn giúp các em học sinh hiểu và liên hệ lý thuyết của các môn học mà các em được học trong trường học với cuộc sống thực tế. Ví dụ như trong môn hóa học các em học sinh có thể liên hệ về lý thuyết bộ môn hóa học để giải thích về quá trình hình thành các hang động karst; những tác động đến môi trường từ việc sử dụng các chất hóa học trong việc rửa và tuyển khoáng sản từ hoạt động khai thác khoáng sản…Bên cạnh đó các em học sinh cũng được tìm hiểu thêm và làm phong phú thêm vốn kiến thức về văn hóa-lịch sử và tri thức bản địa, giúp các em hiểu và tự hào về vùng đất mà các em được sinh ra và giới thiệu về quê hương cho bạn bè và du khách.
Hoạt động mô hình “CLB cùng em khám phá CVĐC” cũng là một trong những sáng kiến của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đóng góp và chia sẻ trong Mạng lưới CVĐC Việt Nam để cùng triển khai thực hiện. Ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO cho rằng đây là một mô hình rất thú vị, có thể là một sáng kiến để thay thế hoặc triển khai hiệu quả nội dung “đại sứ CVĐC” mà hiện tại Mạng lưới CVĐC toàn cầu đang triển khai.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục về CVĐC trong cộng đồng, đặc biệt là giáo dục về CVĐC trong trường học và để thực hiện tốt 06 khuyến nghị của UNESCO đối với CVĐC Non nước Cao Bằng, BQL CVĐC sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT và hỗ trợ các “CLB cùng em khám phá CVĐC” triển khai hiệu quả mô hình này, tích cực chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình với Mạng lưới CVĐC Việt Nam và Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Đây cũng sẽ là một trong những hoạt động để phục vụ hoạt động tái thẩm định của UNESCO đối với CVĐC Non nước Cao Bằng.