Công ước về các vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar) ra đời năm 1971 với sứ mệnh “bảo tồn và sử dụng hợp lý các vùng đất ngập nước thông qua các hành động của địa phương, khu vực, quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới”. Theo Công ước Ramsar, đất ngập nước bao gồm: Vùng đầm lầy; đầm lầy than bùn; những vực nước bất kể là tự nhiên hay nhân tạo; những vùng ngập nước tạm thời hay thường xuyên; những vực nước đứng hay chảy, là nước ngọt, nước lợ hay nước mặn, kể cả những vực nước biển có độ sâu không quá 6 m khi triều thấp.
Đất ngập nước là hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài nguyên thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và nước sạch cho con người. Không chỉ vậy, đất ngập nước còn giúp hấp thụ carbon, điều hòa khí hậu, giảm thiểu tác động của thiên tai như lũ lụt và hạn hán. Đồng thời, đây cũng là môi trường sống của hơn 100.000 loài sinh vật, là nguồn thực phẩm và sinh kế quan trọng của con người. Hiện nay, đất ngập nước cung cấp gạo cho 3,5 tỷ người, hỗ trợ sinh kế cho hơn một tỷ người trên thế giới, đồng thời là nơi cư trú hoặc nguồn sống của khoảng 40% loài sinh vật. Ngoài ra, đây còn là môi trường sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là các loài chim di cư, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu.
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tổng diện tích đất ngập nước của Việt Nam khoảng 11,85 triệu ha, chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Tây Nguyên là vùng có diện tích đất ngập nước nhỏ nhất, chỉ chiếm 3%, lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 49%. Đất ngập nước ở Việt Nam được phân thành 2 nhóm với 26 kiểu, gồm đất ngập nước nhân tạo, tự nhiên (nội địa và ven biển). Đất ngập nước nhân tạo chiếm tỷ lệ lớn nhất, tới 72% tổng diện tích đất ngập nước, trong đó riêng đất trồng lúa chiếm 67%, đất ngập nước ven biển 18%, còn lại 10% là đất ngập nước nội địa. Các dòng sông tạo nên vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn và phì nhiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp như Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng đất ngập nước ven biển cung cấp nguồn lợi thủy sản cho nhiều cộng đồng dân cư từ nhiều đời nay.
Cùng với giá trị kinh tế, các hệ sinh thái đất ngập nước còn có vai trò điều hòa môi trường, hỗ trợ chống lại các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; là nguồn cội của nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời trong cộng đồng dân cư.
Bảo vệ đất ngập nước không chỉ là nhiệm vụ của các quốc gia mà còn là trách nhiệm chung của toàn nhân loại. Nhận thức được tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước, năm 1989, Việt Nam đã là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành thành viên của Công ước Ramsar. Sau 36 năm tham gia Công ước Ramsar, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động về bảo tồn và sử dụng hợp lý vùng đất ngập nước. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 9 khu bảo tồn được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) với tổng diện tích hơn 120 nghìn ha bao gồm: 7 vườn quốc gia (Xuân Thủy, Nam Định; Ba Bể, Bắc Kạn; Bầu Sấu - Cát Tiên, Đồng Nai; Tràm Chim, Đồng Tháp; Mũi Cà Mau, Cà Mau; Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu; U Minh Thượng, Kiên Giang) và 2 Khu bảo tồn thiên nhiên (Láng Sen, Long An và Vân Long, Ninh Bình). Tổng cộng có 47 khu đất ngập nước quan trọng được đưa vào Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/1/2014.
Tại Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, các vùng đất ngập nước không chỉ góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái mà còn hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Bảo tồn đất ngập nước giúp bảo vệ đa dạng sinh học, tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và duy trì hệ sinh thái quan trọng, góp phần kiến tạo một hành tinh xanh, sạch, bền vững cho hôm nay và mai sau.
Tác giả bài viết: BQL CVĐC Non nước Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn