Nghề dệt thổ cẩm của người Tày tại Cao Bằng là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, xuất phát từ tập quán tự cung tự cấp và phát triển một cách tự nhiên trong quá trình lao động. Các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, được tạo hình, trang trí bằng nhiều loại hoa văn phong phú trên chất liệu vải chàm với kỹ thuật dệt tinh tế, thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay và óc thẩm mỹ sáng tạo của người phụ nữ. Nghề dệt thổ cẩm của người Tày Cao Bằng nổi tiếng nhất tại các xã: Đào Ngạn, Phù Ngọc (nay là xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng); Dân Chủ, Đức Long, thị trấn Nước Hai (Hòa An). Năm 2023, Nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người Tày xã Ngọc Đào (Hà Quảng) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Với giá trị văn hoá và bề dày lịch sử, nghề dệt thổ cẩm của người Tày tại Cao Bằng có tiềm năng phát triển trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do tác động bởi quá trình toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, nghề dệt thổ cẩm truyền thống từng đứng trước nguy cơ bị mai một. Ông Hoàng Văn Tín, Trưởng thôn Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) cho biết: Trước đây, cả xóm đều làm nghề dệt, từ năm 2012 đến nay chỉ còn khoảng 30 hộ duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống, trung bình mỗi hộ có thu nhập khoảng 30 – 50 triệu đồng/năm.
Thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh công tác bảo tồn làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, sản phẩm thổ cẩm của người Tày được xác định sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng vào thời gian tới. Để khôi phục nghề dệt thổ cẩm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tăng cường tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức về bảo tồn giá trị làng nghề và phát triển sinh kế cho bà con. Phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội Du lịch tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ kết nối, quảng bá sản phẩm dệt tại các hội chợ triển lãm, sự kiện du lịch, sự kiện mạng lưới công viên địa chất (CVĐC) trong nước và khu vực, như: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024; Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng; Phiên chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Cao Bằng năm 2024; Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn…
Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APGN) năm 2024, Xưởng dệt thổ cẩm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) tham gia trưng bày sản phẩm tại gian hàng không gian văn hóa dân tộc trong vùng CVĐC. Những vật dụng, đồ lưu niệm thổ cẩm bắt mắt như: túi xách, ví, móc treo chìa khóa, khăn, mặt gối, vỏ chăn… nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ phía đại biểu quốc tế nhờ tính thẩm mỹ, độc đáo trong từng chi tiết. Đặc biệt câu chuyện văn hóa về nghề dệt thủ công truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Tày tại Cao Bằng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đại biểu quốc tế.
Nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dệt, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên website, Bản tin CVĐC; tư vấn, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại trên các nền tảng mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Tiktok… Qua đó, các xưởng dệt có cơ hội giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, đồng thời lan tỏa rộng rãi giá trị nghề dệt thổ cẩm của người Tày tại Cao Bằng.
Để bảo vệ và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan, chính quyền các cấp, không thể thiếu sự đồng thuận và tham gia trách nhiệm, hiệu quả của cộng đồng địa phương. Nghệ nhân Nông Thị Thược, Chi hội trưởng Hội nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) chia sẻ: Nghề dệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân địa phương, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì bản sắc văn hoá dân tộc. Do đó, việc gìn giữ giá trị di sản nghề dệt thổ cẩm luôn được lớp người cao tuổi ở xã Luống Nọi quan tâm lưu giữ, trao truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Bảo vệ và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch bền vững không những giúp cải thiện thu nhập cho người dân làng nghề mà còn đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử địa phương. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, hình ảnh con người Cao Bằng đến du khách trong nước và quốc tế.
Tác giả bài viết: Lương Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn