Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào với nhiều sản vật nổi tiếng cùng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Cao Bằng có điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương. Đến tháng 11 năm 2024, toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP thuộc 4 nhóm sản phẩm với 91 chủ thể OCOP gồm: 27 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác, 10 doanh nghiệp, 47 hộ sản xuất kinh doanh. Trong đó, hầu hết các sản phẩm được đưa vào khai thác trong hoạt động du lịch.
Để gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch, các đối tác CVĐC Non nước Cao Bằng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác; hình thành các dòng sản phẩm OCOP chất lượng cao làm quà tặng phục vụ nhu cầu của khách du lịch; liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các siêu thị, cửa hàng, homestay, farmstay, nhà hàng, khách sạn… Đồng thời tích cực tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh tại các hội chợ triển lãm, sự kiện văn hoá - du lịch, sự kiện mạng lưới CVĐC trong nước và khu vực, tiêu biểu như: Chuỗi phiên chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tỉnh và không gian trưng bày các sản phẩm OCOP; Gian hàng mạng lưới CVĐC, gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APGN); Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tỉnh năm 2024…
Các sản phẩm không những đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, thẩm mỹ mà còn được gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa bản địa. Nhiều mặt hàng, dịch vụ nhận được sự quan tâm, tin tưởng, đánh giá cao từ phía người tiêu dùng và khách quốc tế. Tiêu biểu như sản phẩm Lục trà, Hồng trà của Công ty TNHH Kolia đạt OCOP 4 sao trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” năm 2023. Với quy trình canh tác hoàn toàn hữu cơ, không sử dụng hóa chất giúp giữ nguyên hương vị tự nhiên và tinh túy của trà, nhiều năm liền thương hiệu trà Kolia được đón nhận, tiêu thụ rộng rãi tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia.
Bên cạnh đó, mạng lưới đối tác CVĐC Non nước Cao Bằng chú trọng cải thiện, đa dạng các hoạt động khám phá, tham quan, mua sắm tại các làng nghề thủ công truyền thống, làng du lịch cộng đồng… Từ đó, gia tăng sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch, đem lại sự hứng khởi và trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Với những nỗ lực trên, một số cơ sở kinh doanh sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn trong mạng lưới CVĐC đã vinh dự đạt chứng nhận OCOP, điển hình như: Lan's Homestay (Trùng Khánh), Yến Nhi - Bản Giốc Homestay (Trùng Khánh), Mế Farmstay (Hà Quảng). Trong đó, Lan's Homestay là mô hình du lịch duy nhất của tỉnh đến nay đạt 4 sao OCOP. Homestay gồm hai dãy nhà sàn truyền thống, một nhà đá cổ với kiến trúc độc đáo giữ nguyên vẻ đẹp mộc mạc nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ tiện nghi phục vụ du khách đến lưu trú. Từ homestay, du khách có thể thuận tiện ghé thăm các địa danh nổi tiếng như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, sông Quây Sơn… Đặc biệt, du khách có cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa như: mặc trang phục dân tộc truyền thống, trải nghiệm trồng lúa, làm vườn, cưỡi ngựa, thưởng thức đặc sản địa phương…
Bà Hoàng Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế thác Bản Giốc (Trùng Khánh), chủ Lan’s Homestay chia sẻ: Hiện Lan's Homestay có thể đón tối đa 70 khách/ngày, công suất phòng những ngày cuối tuần trung bình đạt 85 - 90%. Để đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP, Lan’s Homestay ưu tiên xây dựng cơ sở lưu trú thân thiện với môi trường và cung cấp đa dạng các dịch vụ đáp ứng nhu cầu tham quan danh lam thắng cảnh, trải nghiệm nghề truyền thống và thưởng thức ẩm thực của du khách. Ngoài ra, chúng tôi tích cực giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của huyện Trùng Khánh, như: gạo nếp ong, hạt dẻ, bánh khảo… góp phần quảng bá rộng rãi nông sản địa phương.
Ông Vi Trần Thuỳ, Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng cho biết: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch không những gia tăng trải nghiệm cho du khách mà còn giúp nâng tầm giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng và cải thiện thu nhập cho người dân bản địa. Thời gian tới, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tiếp tục rà soát, đánh giá những sản phẩm, dịch vụ tiềm năng để hỗ trợ các chủ thể gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch hiệu quả. Qua đó, gìn giữ, tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.
Tác giả bài viết: Lương Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn