Sân chơi bổ ích để trẻ em phát huy tư duy sáng tạo

Thứ hai - 06/12/2021 14:54
Để trẻ em được phát huy khả năng sáng tạo, đam mê khoa học, những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh quan tâm tổ chức những sân chơi bổ ích ươm mầm trí tuệ, tư duy sáng tạo cho trẻ em.
113d0e30981537ed1b4f5394dff4c1e5
Học sinh Trường THCS Ngọc Xuân (Thành phố) tham gia hoạt động “Câu lạc bộ cùng em khám phá Công viên địa chất”.

Sân chơi trí tuệ lớn nhất là Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Cao Bằng” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức từ năm 2011 đến nay đã thu hút hàng nghìn lượt thiếu niên, nhi đồng của tỉnh tham gia với nhiều mô hình sản phẩm (MHSP) sáng tạo, hữu ích, trong đó nhiều MHSP đoạt giải trong các Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc”.

Hằng năm, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phát động Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Cao Bằng”, các phòng giáo dục và đào tạo, huyện đoàn, Thành đoàn phối hợp hướng dẫn các trường triển khai hưởng ứng và phổ biến thể lệ cuộc thi đến tất cả học sinh (HS); phát động phong trào thi đua, phấn đấu mỗi chi đoàn, chi đội có một MHSP dự thi. Giáo viên dạy các bộ môn tự nhiên, xã hội quan tâm gợi mở hướng dẫn, hỗ trợ cho HS vận dụng kiến thức đã được học để sáng tạo các MHSP tham gia.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hoàng Thị Bình cho biết: Hằng năm, cuộc thi thu hút 160 - 200 MHSP của các thanh thiếu niên, nhi đồng tham dự. Nhiều MHSP rất sát thực tiễn cuộc sống, xã hội đặt ra, tính ứng dụng cao như: MHSP về đồ dùng dành cho học tập; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; sản phẩm thân thiện với môi trường…

Đặc biệt, trẻ em là HS dân tộc thiểu số các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng... tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã gửi nhiều MHSP có tính sáng tạo cao. Ban Giám khảo Cuộc thi chấm MHSP rất bất ngờ trước sự thông minh, sáng tạo của các HS. Nhiều MHSP có chất lượng, tính sáng tạo và ứng dụng cao, gắn liền với nhu cầu, thực tiễn cuộc sống như: bẫy chuột; đèn đa năng; động cơ điện mini; hệ thống đèn, vòi tưới nước tự động thông minh; mô hình đèn bảo vệ ao cá và tạo nguồn thức ăn cho cá; hệ thống cảnh báo an toàn giao thông tại các điểm cua khuất tầm nhìn; tuyên truyền về truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam trong các cuộc đấu tranh chống giặc và chống dịch Covid-19…

Năm nào tỉnh cũng có MHSP gửi tham gia cuộc thi toàn quốc đoạt giải. Nhóm tác giả Lã Anh Tuấn, Trương Thị Bé, Lục Thị Cẩm Hằng, HS lớp 8, Trường Tiểu học và THCS Cao Chương (Trùng Khánh), với MHSP giới thiệu trang phục Tày, Nùng, Mông bằng chất liệu đá, đoạt giải ba Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc” lần thứ 16, năm 2020…

Đến nay, cuộc thi đi vào nền nếp, có sức lan tỏa rộng, duy trì được phong trào nuôi dưỡng tiềm năng say mê với khoa học kỹ thuật cho thanh thiếu niên, nhi đồng; động viên và tôn vinh kịp thời các HS ham học hỏi, sáng tạo. Nhiều HS từ đam mê sáng tạo khoa học sau này đã thi đỗ vào các trường đại học tiếp tục theo đuổi ước mơ nghiên cứu khoa học.

Mô hình “Câu lạc bộ (CLB) cùng em khám phá công viên địa chất (CVĐC)” và Chương trình truyền thông giáo dục CVĐC của Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức là sân chơi tích cực, bổ ích cho HS trong tỉnh, góp sức thực hiện kiến nghị của CVĐC Toàn cầu UNESCO để giữ vững các tiêu chí được công nhận của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

2e304ba16cd766c641d62fa97cf8e3b1
Học sinh Trường THCS Hợp Giang (Thành phố) trải nghiệm, tìm hiểu di sản Ngườm Slưa (Hòa An).

Tham gia chương trình truyền thông giáo dục CVĐC, HS được tìm hiểu về CVĐC như: Thông tin cần thiết về thành lập CVĐC; các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản địa chất - địa mạo… lồng ghép môn Lịch sử, Địa lý địa phương với giá trị di sản, bảo vệ CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; tổ chức ngoại khóa cho HS tìm hiểu về CVĐC…

Mô hình “CLB cùng em khám phá CVĐC” đã xây dựng đội ngũ HS nòng cốt (có khả năng hoặc yêu thích các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Hóa học, Địa lý, Sinh học…) để nghiên cứu, tìm hiểu về CVĐC và truyền thông dưới sự hướng dẫn của Ban Quản lý CVĐC và các chuyên gia CVĐC. Mô hình đã kết hợp nghiên cứu tài liệu CVĐC và tổ chức cho HS đi thực tế các điểm di sản CVĐC giúp nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục về CVĐC trong trường học. Hoạt động của mô hình khuyến khích HS trở thành tuyên truyền viên tích cực gìn giữ, bảo vệ CVĐC.

Em Nguyễn Thu Trang, lớp 6A, Trường THCS Hợp Giang (Thành phố) chia sẻ: Tham gia Mô hình “CLB cùng em khám phá CVĐC”, em rất hứng thú vì được hiểu biết nhiều kiến thức về giá trị di sản CVĐC. Đồng thời, nhận thấy trách nhiệm cùng chung tay bảo vệ cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa đặc sắc các dân tộc. Em và các bạn đã viết bài giới thiệu về giá trị CVĐC bằng tiếng Anh với các bạn trong và ngoài nước.

Chương trình tuyên truyền, giáo dục về CVĐC và Mô hình “CLB cùng em khám phá CVĐC”  góp phần tích cực cho CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tiếp tục thực hiện tốt các khuyến nghị mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO, giữ vững các tiêu chí CVĐC. 

Nguồn tin: Hồng Xiêm - Báo Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây