Rau dớn, tiếng địa phương là “phjắc cút”, là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày của người vùng cao ở Cao Bằng.
Rau dớn có tên khoa học Diplazium esculentum, là loại cây thân thảo, cao trung bình 50 - 70 cm, giống cây dương xỉ, nhưng lá dớn nhỏ hơn, càng hái nhiều thì cây càng phát triển. Rau dớn chứa đến 86% nước, có nhiều chất dinh dưỡng, cây thường mọc ở khe suối, ven bờ suối, nơi có nhiệt độ ẩm thấp, mọc thành vạt, có nơi mọc thành từng đám.
Rau dớn xào trứng. |
Theo y học, dớn là loại rau mát, có tính giải nhiệt cao trong mùa nắng nóng, chữa cảm, viêm họng… Ăn rau dớn sẽ làm máu lưu thông, giải độc và giải nhiệt cho cơ thể, chất nhầy trong lá có tác dụng nhuận trường và làm dịu đau lưng. Lá dớn non có màu xanh, thân phủ một lớp lông tơ mỏng, thường nhớt hơn so với các loại rau rừng khác. Rau dớn được người dân địa phương ưa thích bởi rau sạch và an toàn cho sức khỏe. Vì vậy, ngoài làm thực phẩm thông thường, nhiều người còn phơi khô để sắc thuốc uống.
Dớn rừng có quanh năm, nhưng rau ngon nhất là vào mùa mưa vì khi đó chúng sẽ mọc tươi tốt, lá non, giòn hơn bình thường. Vào mùa nắng nóng, rau ăn thường sẽ có vị chua và đắng. Sau Tết Nguyên đán, khi thời tiết mát mẻ, độ ẩm trong không khí cao cũng là lúc người dân lên rừng hái rau dớn.
Rau dớn có thể chế biến thành nhiều món khác nhau nhưng rau dớn xào tỏi là món ăn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và dễ chế biến. Chỉ cần hái phần ngọn non, lá non, ngắt thành từng khúc rồi rửa sạch, đập củ tỏi phi thơm, sau đó cho rau dớn vào xào, đảo đều khoảng 5 phút cho thêm gia vị. Rau nấu xong có màu xanh mướt, khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt, giòn, thanh mát.
Những năm gần đây, rau dớn được bán nhiều tại các chợ phiên vùng cao, chợ Thành phố, giá khoảng 5.000 - 8.000 đồng/mớ. Vì vậy, nhiều người dân địa phương lên rừng hái rau dớn mang về bán kiếm thêm thu nhập.
Nguồn tin: Lộc Thúy - Báo Cao Bằng:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn