Đèo Mã Phục, nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 3 thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, có độ dài khoảng 3,5km và cao 700m so với mực nước biển gồm 7 tầng dốc. Đèo Mã phục là một trong những con đèo có độ cao, chiều dài và cảnh quan kỳ vỹ nhất trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng. Đây cũng là điểm di sản đầu tiên trong tuyến trải nghiệm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” của CVĐC Non nước Cao Bằng. Du khách tới đây ngoài việc được trải nghiệm cảnh quan hùng vỹ của Đèo Mã Phục còn có thể khám phá những giá trị địa chất độc đáo về lịch sử hình thành và phát triển của khu vực này cũng nhưng những truyền thuyết dân gian gắn liền với Đèo Mã Phục.
Tích xưa kể rằng, giữa thế kỷ XI thủ lĩnh người Tày là Nùng Trí Cao đã lãnh đạo nhân dân địa phương chống lại nhà Tống ở phía bắc. Trong một lần tuần tra biên giới trở về, đến địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh ngày nay, gặp con đèo cao quanh co, dốc đứng án ngữ trước mặt, ngựa của Nùng Trí Cao bị khuỵu chân không thể đi tiếp được nữa. Từ đó dãy núi được đặt tên là Án Lại và con đèo được đặt tên là Mã Phục (ngựa quỳ).
Đèo Mã Phục là một điểm di sản địa chất có giá trị lớn. Khoảng 260 triệu năm trước khu vực này có nhiều núi lửa hoạt động ngầm dưới biển. Dung nham núi lửa phun lên trong nước biển bị nguội đột ngột tạo thành các cầu gối xếp chồng lên nhau (dung nham cầu gối). Kích cỡ và màu sắc của các cầu gối thay đổi tùy thuộc vào thành phần của dung nham (bazơ, trung tính hay axit). Đa phần ta thường thấy các cầu gối nhỏ (đường kính dưới 1m), thành phần bazơ màu xanh đen, vì thế loại đá này được gọi là bazan cầu gối.
Ngày nay, một lượng lớn các núi lửa hoạt động ngầm dưới biển nằm gần các khu vực kiến tạo tích cực, như các sống núi giữa đại dương. Mặc dù chúng hầu hết nằm sâu dưới đáy đại dương (phun ra dung nham bazơ), một số cũng tồn tại ở vùng biển nông (dung nham có tính axit hơn). Những núi lửa này có thể phun dung nham dưới nước và phun tro bụi, bom núi lửa và các loại khí... vào khí quyển. Ước tính hiện nay trên toàn thế giới có đến hơn một triệu núi lửa đang hoạt động ngầm dưới biển.
Dù là một địa điểm có điều kiện địa hình không thuận lợi, tuy nhiên từ bao đời nay Đèo Mã Phục cũng đã và đang là một nơi gặp gỡ và giao lưu buôn bán của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao…. Du khách đến với Đèo Mã Phục vào các ngày mùng 3, 8, 13, 18, 23, 28 hàng tháng sẽ có dịp được trải nghiệm những nét đặc sắc của chợ phiên vùng quê và thưởng thức đặc sản của địa phương. Với những giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và địa chất, điểm di sản Đèo Mã Phục có thể được coi là một trong những điểm dừng chân có thể đem đến cho du khách những trải nghiệm riêng có và không thể bỏ qua khi đến tham quan CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn