Các di sản địa chất còn lưu giữ những dấu ấn của các quá trình, bối cảnh địa chất đặc biệt đã xảy ra trong quá khứ hoặc đang diễn ra hằng ngày. Chúng có thể là các cảnh quan về địa mạo, các di chỉ cổ sinh và hóa thạch, các miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, các hang động, hẻm vực sông, hồ tự nhiên, thác nước, các diện lộ tự nhiên của đá và quặng, thậm chí cả các khu mỏ đã ngừng khai thác.
Toạ lạc tại Tổ 11, Phường Sông Hiến, trung tâm Thành phố Cao Bằng, Hồ Hoá Thạch là nơi chứa đựng nhiều các di sản địa chất và có cảnh quan độc đáo. Hồ được hình thành trong kỷ Neogen cách đây khoảng 23 triệu năm và trải qua nhiều thời kì biển tiến, biển thoái, xói mòn, tích tụ đã hình thành nên các phân lớp dày với nhiều màu sắc khác nhau xếp chồng lên nhau như một tác phẩm sắp đặt của thiên nhiên. Khi tới nơi đây, du khách như lạc vào một vào một mê cung với nhiều dải màu sắc đan xen nhau.
Theo các tài liệu địa chất, những trầm tích này có nguồn gốc lục địa hạt mịn chứa than thuộc tập 2 hệ tầng Cao Bằng chiều dài trên 30m, cao 8-12m. Đá phân lớp dày, thế nằm thoải 30Ð20, bị bào mòn qua thời gian hàng ngàn, hàng vạn năm. Bên dưới các lớp đá trầm tích là sét than chứa ít lớp mỏng than nâu dày trên 20m.
Ngoài cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, tại Hồ Hoá Thạch du khách còn có thể tìm thấy rất nhiều di tích hóa thạch thực vật hóa than và Pelecypoda nước ngọt dạng trai, vẹm, trùng trục, họ Unionidae, lớp Bivalvia, ngành Thân mềm. Hóa thạch quan sát được phân bố có lớp dày đặc, kích thước lớn. Sơ bộ xác định các giống Unio sp. (trai), Anodonta sp.(vẹm), Oxynaia sp. (trùng trục), vỏ có gờ đồng tâm nhưng có màu trắng, mềm, bở rời, khuôn ngoài còn giữ gờ, khuôn trong không còn giữ được cấu tạo gờ. Hóa thạch có f 4-5 x 8-10cm. Các di tích hóa thạch và đất đá thể hiện môi trường hồ, đầm lầy lục địa, cổ khí hậu nóng ẩm.
Lịch sử phát triển của sinh vật gắn liền với lịch sử phát triển của vỏ Trái đất. Sự tồn tại và phát triển của chúng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường, như nhiệt độ, độ sâu, độ mặn, ánh sáng. Vì thế, hóa thạch rất có giá trị trong việc định tuổi của đá chứa chúng cũng như điều kiện cổ môi trường nơi chúng từng sống.
Ở mỗi giai đoạn, địa tầng phát triển, có những loại hóa thạch đặc thù, được các nhà khoa học diễn giải với rất nhiều kiến thức hết sức hấp dẫn về từng giai đoạn phát triển của trái đất cũng như hệ động, thực vật. Sự có mặt của các hóa thạch trên vùng CVĐC chỉ rõ, vùng đất đặc biệt, trong quá khứ là một vùng biển nông với sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật. Hóa thạch của các động, thực vật để lại giúp chúng ta hiểu biết một phần về sự phát triển cách ngày nay hàng trăm triệu năm.
Khác với hóa thạch ở các điểm di sản khác, hóa thạch tại đây chủ yếu là hóa thạch ngành thân mềm và thực vật hóa than đại diện cho môi trường hồ, đầm lầy lục địa; các hóa thạch tại các điểm di sản khác trong CVĐCV được tìm thấy có nguồn gốc biển là chủ yếu. Mỗi mẫu hóa thạch đều mang dấu ấn riêng về quá trình hình thành, phát tỏa và tuyệt diệt trong dãy tiến hóa sinh giới; về điều kiện cổ địa lý; về điều kiện cổ môi trường và bối cảnh cổ kiến tạo của thời kỳ xuất hiện.
Đây là điểm di sản địa chất đặc biệt trong CVĐC chứng minh về một môi trường hồ, đầm lầy lục địa đã tồn tại nơi đây vào giai đoạn Neogen, cùng với cảnh quan địa mạo tạo nên sự độc đáo nơi đây sẽ cho du khách những trải nghiệm thực tế đáng giá trong tuyến du lịch phía nam của CVĐC.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn