Đến những ngôi làng nhỏ của người Tày, Nùng ở miền núi, không khó để bắt gặp những đứa trẻ đeo vòng cổ có treo túi bùa may mắn. Theo quan niệm, đeo túi bùa may mắn không phải vấn đề mê tín dị đoan mà đơn thuần là túi cầu bình an, sức khỏe, may mắn và hạnh phúc cho những đứa bé khi vừa tròn một tháng tuổi.
Những túi bùa may mắn sẽ được đeo cho đứa trẻ vào ngày lễ đầy tháng. Trong buổi lễ, thầy Tào sẽ viết lá bùa cầu an cho đứa trẻ. Tùy từng trường hợp số lượng lá bùa sẽ khác nhau, có thể là 1 hoặc 2 lá bùa. Lá bùa sau khi được thầy mo viết những câu chúc tốt đẹp sẽ đem đi làm lễ rồi gấp cẩn thận cho vào một lớp túi nhựa để tránh bị nước làm ướt, sau đó mới cho vào chiếc túi chàm được khâu sẵn để đeo lên cổ đứa trẻ.
Túi đựng lá bùa có hình vuông hoặc hình chữ nhật, được các bà, các mẹ khâu khéo léo bằng vải chàm, có đầu nút để xỏ dây vào. Vải chàm được coi như là hơi thở của núi rừng, gần gũi, gắn bó với đời sống của người nông dân, là bản sắc dân tộc ở vùng đất này nên là lựa chọn ưu tiên để làm túi đựng bùa may mắn.
Dây đeo cổ để xỏ vào túi được tết từ các sợi chỉ nhiều màu. Theo quan niệm dân gian, nam có 7 vía, nữ 9 vía, sợi chỉ được tết lại rồi đeo lên cổ những đứa trẻ nam thì tết 7 sợi chỉ, trẻ gái tết 9 sợi chỉ. Ngày nay để tiện đeo và tháo lá bùa, người ta có thể đeo lá bùa vào chiếc kim băng để gắn vào áo hoặc mũ của đứa trẻ.
Thông thường chiếc túi bùa may mắn sẽ gắn bó theo đứa bé cho đến 5, 6 tuổi hay cho đến khi người lớn cảm nhận được đứa trẻ này có thể không cần dùng đến túi bùa may mắn nữa. Túi bùa may mắn cũng không cần phải đeo thường xuyên, khi tắm rửa có thể bỏ ra. Khi lá bùa cũ, cũng có thể đi xin thầy Tào viết lại. Có lá bùa theo người sẽ tạo cho đứa trẻ cảm giác an toàn và được bảo vệ.
Tục đeo bùa may mắn là nét văn hóa của dân tộc Tày, Nùng, đến nay vẫn được duy trì trong đời sống tinh thần của người dân.
Nguồn tin: Mai Chi - Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn