Mỏ nước thần – khám phá hiện tượng thiên nhiên và tâm linh kỳ bí!

Thứ hai - 06/12/2021 14:47
Trên hành trình về phía đông của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, cách trung tâm Thành phố Cao Bằng khoảng 40km là một điểm đến hấp dẫn cho du khách trải nghiệm những điều kỳ diệu và bí ẩn của tự nhiên.
Ảnh 56
Mỏ nước Thần tại xóm Lũng Sạng, xã Hồng Quang, huyện Quảng Hòa

Điểm đến Mỏ nước thần, người dân địa phương gọi là “Mỏ Rằng Phặt” (Rằng: ổ, vũng..., Phặt: sôi) nằm ẩn mình trong một thung lũng yên tĩnh và hoang sơ của xóm Lũng Sạng, xã Hồng Quang, huyện Quảng Hòa.

Mỏ nước là một lòng chảo có diện tích khoảng hơn 100m2, sâu 3m. Mực nước mỏ dao động theo mùa. Mùa mưa (tháng 4-8) nước dâng lên ngập cả khu Rằng Phặt, khi nước rút mỏ nước sâu trung bình khoảng 1m. Mùa khô mỏ nước lộ rõ một hốc đá chứa nước đường kính 1m. Cách đấy 3m là một hang đá tương truyền là nơi trú ngụ của ba cô gái.

Ảnh 57
Hang Rằng Phặt tại xóm Lũng Sạng, xã Hồng Quang, huyện Quảng Hòa

Truyện kể rằng, ngày xưa có một gia đình giàu có nhất làng, trong nhà có ba cô con gái xinh đẹp đương tuổi cập kê, tên là Sằm, Sỏi, Mỏi, mặc dù có nhiều chàng trai đến hỏi nhưng ba cô đều từ chối. Vì nhà có rất nhiều vàng bạc, châu báu nên người cha đã đem giấu vào trong hang đá của làng và nhốt ba cô con gái của mình vào trong đó với nhiệm vụ bảo vệ kho báu. Người cha dặn các con khi có kẻ trộm đến thì dâng nước lên bịt khe đá để chặn lối vào hang. Vì vậy, khi có tiếng động cảnh báo kẻ trộm đến cướp kho báu hoặc có người đến gọi và thông báo cho Ba cô “Tý Sằm, Tý Sỏi, Tý Mỏi Rằng Phặt / Sặc Kim, Sặc Ngằn lố/ Bó áu nặm khảu mà/ Boong au ngằn léo lớ” (Cô Sằm, Cô Sỏi, Cô Mỏi Rằng Phặt, trộm vàng trộm bạc đến, không dâng nước lên/ kẻ trộm lấy vàng hết đấy), ba cô sẽ dâng nước lên ngập cả khu mỏ và bịt kín lối vào hang, bảo vệ an toàn cho kho báu mà các cô đang trông coi.

Du khách đến đây, hãy trải nghiệm tâm linh, trong không gian tĩnh lặng, hoang vu tự mình tạo ra âm thanh cảnh báo ba cô bằng cách vỗ mạnh tay hoặc lấy đá, lấy cây đập mạnh vào trong lòng hang...và gọi các cô 3 đến 5 lần. Sau khi gọi trong hang sẽ xuất hiện âm thanh róc rách, đồng thời nước ở hốc đá dần dần dâng lên, đặc biệt vào mùa mưa nước nhiều cả mỏ nước sủi lên sùng sục, vì thế bà con gọi nơi đây là “Rằng Phặt”.

Chu kỳ dâng nước sau khi có tác động âm thanh thì mực nước lên liên tục 2, 3 lần khoảng 10-25 cm thì ngưng lại. Sau khoảng 10-15 phút nước rút xuống rồi lại tiếp tục dâng lên.

PGS.TS Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã giải thích hiện tượng kỳ bí ở mỏ nước thần như sau: Khi người ta hô, gọi hoặc vỗ tay sẽ tạo ra luồng không khí, tạo ra tiếng động, tạo ra sóng âm thanh lan truyền trong không khí, tác động vào các vật thể xung quanh như mặt đất, mặt nước, bề mặt của các khối đá, các hang hốc... Tác động vào mặt nước sẽ khiến cho mặt nước xao động, thậm chí lõm xuống. Nước là dạng vật chất không thể nén thêm được nên lõm chỗ này nghĩa là đồng thời sẽ dềnh lên ở chỗ khác. Hiện tượng xảy ra ở mỏ nước thần rất kỳ lạ, độc đáo vì mực nước dâng lên, hạ xuống khá lớn, khá lâu, có lẽ chỉ xảy ra khi kết hợp thêm một số yếu tố nữa. Thứ nhất, nước ở Rằng Phặt rất sẵn, rất nhiều, mùa nào cũng có trong khi các khu vực xung quanh có thể khô cạn. Ta biết rằng hơn một nửa diện tích CVĐC Non Nước Cao Bằng là đá vôi, đặc biệt là rất phát triển các hệ thống hồ-sông-hang ngầm karst liên thông với nhau, kiểu như quần thể 36 hồ-sông-hang ngầm Thang Hen, trong đó Thang Hen là hồ chính, nhận nước từ các hồ, sông-hang ngầm khác. Có thể Rằng Phặt cũng là một cái “rốn tụ thủy” như vậy.

Thứ hai, mực nước dâng lên, hạ xuống khá lớn ở Rằng Phặt có thể là do hiện tượng cộng hưởng. Ta vẫn thường nghe chuyện ở các vùng miền núi, khi hô lên một tiếng thì từ các vách núi xung quanh sẽ vọng lại cả một tràng dài rất lớn. Có thể cấu trúc không gian hồ-sông-hang karst ngầm ở Rằng Phặt đặc biệt đến mức mà tiếng gọi các cô Sằm, cô Sỏi, cô Mỏi, khi len lỏi, dội đi, dội lại trong đó đã cộng hưởng, trở nên lớn hơn, tạo áp lực lớn hơn rất nhiều lần lên mặt nước, khiến mực nước dềnh lên, rút xuống lớn đến thế.

Mỏ nước thần thực sự là một điểm đến thú vị, bên cạnh giá trị khoa học độc đáo, thì bà con nơi đây vẫn kể cho nhau nghe về ba cô gái "Sằm, Sỏi, Mỏi" hóa thần giữ của, trông coi kho châu báu của gia đình nơi thung lũng hoang vu. Tiếng lành đồn xa, thậm chí đã có những vị khách phương xa đến Mỏ nước thần để xin Ba cô bảo vệ và ban phát tiền tài cho gia đình mình. Đồng thời, theo quan niệm của đồng bào nơi đây nếu muốn giao tiếp và gửi gắm ước nguyện với thế giới tâm linh thì phải sử dụng giấy tiền bằng giấy bản (chỉa sla) và hương Phja Thắp thì thế giới tâm linh mới ghi nhận.

Mỏ nước thần - Rằng Phặt là một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách mê khám phá, bên cạnh yếu tố tâm linh kỳ bí mang chút không khí liêu trai là sự kỳ diệu của địa chất. Ngoài ra, trong thung lũng còn có một bãi cỏ tự nhiên, xanh mướt để du khách nghỉ ngơi và tận hưởng không gian yên tĩnh và thư thái.

Nguồn tin: BQL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây