Nguyên liệu để làm ra chiếc bánh chưng truyền thống là những gì tinh túy nhất của đất trời và từ những giọt mồ hôi tạo nên thành quả lao động của con người. Sau vụ mùa, các gia đình sẽ lựa những bông thóc nếp hạt tròn mẩy, bó thành chùm treo lên gác bếp dành để gói bánh chưng. Đó là những loại gạo nếp thơm ngon nhất của địa phương mình như nếp hương Xuân Trường (huyện Bảo Lạc), Nếp Ong (huyện Trùng Khánh), Nếp Pì Pất (huyện Hòa An)… Một nguyên liệu gắn liền với chiếc bánh chưng đó là những chiếc lá giong xanh dùng để gói bánh. Nhân bánh truyền thống là đỗ xanh và thịt lợn, đặc biệt một số gia đình như ở xã Nam Cao, Nam Quang huyện Bảo Lâm còn gói bánh chưng nhân cá chép.
Ngoài bánh chưng xanh, đồng bào dân tộc miền núi Cao Bằng còn làm bánh chưng đen. Đây là một sáng tạo độc đáo, mang hương vị đặc trưng riêng của đồng bào miền núi cao. Để tạo ra bánh chưng đen, họ có nhiều cách khác nhau như lấy các bó thóc nếp đã tuốt hết thóc rồi đốt các bó rạ sạch thành tro, sàng lấy phần tro sạch trộn với gạo nếp. Còn người Tày ở Bảo Lâm, Bảo Lạc lại lấy tro từ cây muối chua, tiếng địa phương gọi là " Mạy Piệt", họ sẽ chọn cây có nhiều chùm hoa, nhiều muối, khi đốt cây muối thành than và cho vào cối nhuyễn thành bột mịn. Sau đó trộn bột than vào gạo, để 1 thời gian bột ngấm vào gạo. Ngoài ra ở một số huyện như Hà Quảng đồng bào cũng sử dụng cây ngà hoóc để đốt than đen… sau khi nhuộm đen hạt gạo, họ mới gói bánh. Những chiếc bánh sau khi luộc chín sẽ có màu đen nhánh, thơm đậm đà hương vị cây rừng và thời gian bảo quản sẽ được lâu hơn bánh chưng xanh.
Về hình dáng chiếc bánh chưng, đồng bào gói hình vuông hoặc bánh lưng gù, bánh dài. Khi gói xong, bánh được luộc kỹ từ 12-14 tiếng, sẽ rất thơm ngon, dẻo mềm.
Chiếc bánh chưng mang trong mình những giá trị văn hóa truyền thống bản địa đặc sắc. Ở miền Tây Cao Bằng, người Nùng gọi bánh trưng là " Khẩu tổm", bánh dài là " Pẻng Slì" hoặc có nơi gọi "bánh Toóc", người Dao gọi là " Dùa Pêu"… Bánh chưng là lễ vật để tỏ lòng thành kính và biết ơn tổ tiên và các vị thần linh trong những ngày lễ tết. Chiếc bánh cũng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết, đặc biệt khi các thành viên gia đình cùng nhau gói và ngồi quây quần bên bếp lửa đun bánh, đợi thời khắc linh thiêng đêm giao thừa để vớt nồi bánh chưng nghi ngút khói, thơm nồng đem dâng tổ tiên, sau đó mở chiếc bánh đầu tiên, cùng chia những miếng bánh dẻo ngon trong không khí xum vầy và ấm cúng.
Chiếc bánh chưng ngày tết cũng gắn liền với những quan niệm độc đáo của đồng bào dân tộc, khi gói bánh người ta sẽ ghi nhớ và ký hiệu lần lượt theo thứ tự 12 chiếc đầu tiên, tương ứng với 12 tháng trong năm. Sau khi gói xong đến công đoạn thả xuống nồi nước luộc và quan sát xem chiếc bánh nào trong số 12 cái đánh dấu mà chìm xuống trước thì tháng đấy mưa nhiều. Còn chiếc bánh lưng gù với hình dáng thon 2 đầu và ở giữa vuốt cao lên, khiến họ liên tưởng đến hình ảnh người phụ nữ đang có bầu, để cầu cho sự sinh sôi nảy nở trong năm mới, hay đơn giản đó là hình ảnh người đồng bào đang khom lưng cày cấy, làm nương rẫy. Hình ảnh chiếc bánh cũng đi vào trong những điệu hát ru con của người Tày " Ứ a em ơi, ứ a ngủ thôi/ ngủ chờ mẹ bắt muỗm bờ ruộng/ bắt con trâu 2 sừng/ lấy con bò sừng lệch/ lấy bánh toóc lưng gù.."
Bánh chưng ngày tết của người Việt nói chung và của đồng bào các dân tộc miền Non nước Cao Bằng nói riêng trở thành minh chứng cho tình cảm hướng về truyền thống, cội nguồn trong tâm hồn mỗi người con đất Việt và là nét văn hóa, lịch sử đáng chân quý từ bao đời nay.
Nguồn tin: Hoàng Huyền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn