Hệ thống biển thông tin về đa dạng sinh học được thiết kế thân thiện với môi trường, gồm bảng thông tin kích thước 20x29cm có tích hợp mã QR, được bố trí tại các vị trí thuận tiện như dãy ghế đá, lối đi bộ, khu ngắm cảnh… tại các điểm di sản: Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình); Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng); khu vực Mắt Thần núi (xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa; xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh); Mỏ nước thần (Quảng Hòa).
Biển thông tin cung cấp những nét đặc trưng về đặc điểm hệ sinh thái rừng, một số loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm có giá trị dược liệu cùng nhiều loài chim bản địa được ghi nhận trong khu vực. Nhờ đó, du khách và người dân địa phương dễ dàng tiếp cận kiến thức cơ bản về tài nguyên sinh học phong phú trong vùng CVĐC. Hệ thống biển thông tin không chỉ là phương tiện truyền thông sáng tạo mà còn là công cụ giáo dục cộng đồng hiệu quả, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học đồng thời góp phần cải thiện chất lượng điểm đến và trải nghiệm cho du khách.
Hoạt động lắp đặt hệ thống biển thông tin được triển khai nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và tuyên truyền về giá trị đa dạng sinh học tại cơ sở. Bên cạnh vai trò cung cấp kiến thức, biển thông tin còn là nguồn dữ liệu khoa học quan trọng phục vụ công tác đánh giá hiện trạng hệ sinh thái, từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn phù hợp. Qua đó, góp phần khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng và thể hiện cam kết mạnh mẽ của tỉnh Cao Bằng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị di sản địa chất – sinh học, hướng đến phát triển du lịch sinh thái bền vững theo định hướng của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.
Tác giả bài viết: Lương Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn