Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động tích hợp nội dung về CVĐC trong các môn học chính khóa, tiết học địa phương và các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề: lịch sử, văn hóa, hóa học, địa chất, môi trường tại các điểm di sản trong vùng CVĐC. Các tiết học được thiết kế với nội dung đa dạng, gắn liền với thực tiễn địa phương, giúp học sinh tiếp cận tri thức một cách trực quan, sinh động và gần gũi.
Tiêu biểu trong chuỗi hoạt động lồng ghép nội dung CVĐC là tiết học thực hành tiếng Việt “ Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ” và bài viết “ Viết văn bản nội quy và văn bản chỉ dẫn” trong chương trình Ngữ văn 10. Thông qua nội dung bài học, học sinh không chỉ được trang bị kỹ năng sử dụng ngôn ngữ mà còn có cơ hội tìm hiểu các tuyến trải nghiệm, điểm di sản trong vùng CVĐC. Đặc biệt, học sinh 4 lớp 10 được chia nhóm, thực hành vẽ sơ đồ chỉ dẫn các tuyến tham quan di sản CVĐC và thuyết trình sản phẩm của mình.
Thông qua các tiết học thực hành, học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức một cách chủ động mà còn trở thành những “tuyên truyền viên nhỏ tuổi”, góp phần lan tỏa giá trị di sản của CVĐC Non nước Cao Bằng đến gia đình và cộng đồng. Những sản phẩm các em thực hiện như: sơ đồ chỉ dẫn, bài thuyết trình, bài viết… là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý thuyết với thực tiễn địa phương, giúp học sinh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc gìn giữ những giá trị văn hóa và thiên nhiên của quê hương.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng trong việc tăng cường các hoạt động giáo dục di sản mở ra nhiều cơ hội triển khai các chương trình giáo dục một cách quy mô và bài bản hơn. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong việc góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và bảo tồn giá trị văn hóa, thiên nhiên đặc sắc của CVĐC Non nước Cao Bằng.
Tác giả bài viết: BQL CVĐC Non nước Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn