Ngôn ngữ là cầu nối giao tiếp và phương tiện truyền tải những giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Trước thực trạng tiếng dân tộc dần bị mai một trong giới trẻ, việc bảo tồn và phát huy tiếng nói dân tộc trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Nhận thức rõ điều này, Trường PTDTNT - THCS Quảng Uyên đã tích cực lồng ghép hoạt động bảo tồn tiếng dân tộc vào các chương trình ngoại khóa, buổi sinh hoạt dưới cờ và đặc biệt là trong các hoạt động của Câu lạc bộ "Cùng em khám phá CVĐC". Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để học sinh học và sử dụng tiếng dân tộc trong không gian học đường.
Trong đó các cuộc thi tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, địa chất và đa dạng sinh học trong khu vực CVĐC Non nước Cao Bằng bằng tiếng dân tộc thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, tiêu biểu là: cuộc thi giải đố bằng tiếng dân tộc Tày, Nùng, Mông; cuộc thi giới thiệu bản sắc văn hóa bằng tiếng dân tộc với các chủ đề như: món ăn mèn mén của dân tộc Mông, phong tục đi tái của dân tộc Tày, nghề rèn nổi tiếng ở Phúc Sen… Những hoạt động thiết thực này giúp học sinh nâng cao hiểu biết về di sản văn hóa và khuyến khích các em thực hành tiếng dân tộc trong tình huống thực tế. Qua đó, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào đối với tiếng dân tộc và khơi dậy tinh thần chủ động lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của thế hệ trẻ đến cộng đồng.
Nỗ lực của Trường PTDTNT - THCS Quảng Uyên trong việc bảo tồn tiếng dân tộc giúp gìn giữ di sản ngôn ngữ quý báu đồng thời phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.
Tác giả bài viết: Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn