Làng nghề truyền thống không chỉ là yếu tố thu hút du khách mà còn góp phần hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo mang đậm nét đặc trưng của từng vùng miền. Nhờ nỗ lực cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với giá trị lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người tại địa phương, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được thương hiệu riêng, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống và tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Để khôi phục và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, năm 2024, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc tập trung làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch: tổ chức lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống dân tộc Tày Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Quảng Hòa); lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của người Tày xã Ngọc Đào (Hà Quảng); triển khai hoạt động học tập trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững và du lịch cộng đồng cho đối tác CVĐC trên địa bàn hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai...
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường hỗ trợ các cơ sở nghề, làng nghề tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản của địa phương... Trong năm 2024, hỗ trợ được 46 lượt chủ thể tham gia 22 sự kiện, chương trình tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Kon Tum, Bạc Liêu... đồng thời mời các nghệ nhân tham gia hoạt động giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch và cải thiện sinh kế cho người dân, một số điểm du lịch cộng đồng, điểm du lịch làng nghề đã tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch, trở thành điểm đến thu hút du khách, tiêu biểu như: làng du lịch cộng đồng Pác Rằng, làng giấy bản Dìa Trên, làng hương Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa); xưởng dệt thổ cẩm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng); xưởng dệt Dao tiền, xã Hoa Thám (Nguyên Bình)…
Tại đây, du khách không những được tham quan khung cảnh thiên nhiên thanh bình mà còn có cơ hội hòa mình vào cuộc sống thường ngày của người dân địa phương qua việc trực tiếp tham gia các công đoạn sản xuất sản phẩm truyền thống, từ dệt thổ cẩm, đan lát đến chế tác nông cụ... Đồng thời khám phá những nét văn hóa bản địa độc đáo thông qua ẩm thực, nghệ thuật dân gian và lễ hội truyền thống... Những trải nghiệm này không chỉ mang đến sự mới mẻ, thú vị mà còn giúp du khách cảm nhận sự được khéo léo và tâm huyết trong từng sản phẩm cũng như thấu hiểu sâu sắc hơn những giá trị văn hóa cốt lõi của đồng bào các dân tộc sinh sống trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.
Bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững giúp nâng cao thu nhập và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tích cực. Những nỗ lực trên đã và đang góp phần giữ gìn, phát huy, làm sống dậy những giá trị văn hóa đặc trưng trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.
Tác giả bài viết: Lương Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn