Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), năm 2025, số lượng động vật hoang dã toàn cầu đã giảm tới 73% chỉ trong vòng 50 năm qua. Báo cáo dựa trên việc tập hợp số liệu thống kê của gần 35.000 quần thể của 5.595 loài lưỡng cư, chim, cá, động vật có vú và bò sát. Sự suy giảm mạnh nhất đang diễn ra ở các hệ sinh thái nước ngọt (-85%), tiếp theo là hệ sinh thái trên cạn (-69%) và sau đó là hệ sinh thái biển (-56%).
Xét theo khu vực, sự suy giảm sinh vật lớn nhất đang diễn ra tại khu vực châu Mỹ Latinh, với mức giảm lên tới 95%. Xếp sau là châu Phi ở mức 76%; châu Á và Thái Bình Dương với 60%; Bắc Mỹ ở mức 39% và châu Âu là 35%. Các nhà khoa học cũng cảnh báo, tốc độ suy giảm quần thể động vật hoang dã sẽ có thể tăng nhanh hơn trong những năm tới đây khi tình trạng nóng lên toàn cầu vẫn đang tăng tốc; khi các hiện tượng hạn hán, cháy rừng… vẫn đang gây hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu.
Việt Nam xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái và nguồn gen khác nhau. Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động tham gia và thực hiện nhiều cam kết liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã như: Công ước đa dạng sinh học; Công ước buôn bán quốc tế đối với các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp; Công ước Ramsar để bảo vệ các loài, các khu vực đất ngập nước quan trọng có tầm quan trọng đối với các loài chim nước…
Nhằm phục hồi, bảo vệ và phát triển bền vững các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ngày 8/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 49/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đặt mục tiêu bảo tồn hiệu quả các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ: cải thiện tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài; bảo tồn và phục hồi sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; gia tăng số loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được gây nuôi bảo tồn và tái thả về tự nhiên để phục hồi quần thể; đến năm 2030, bảo đảm ít nhất 3 loài được gây nuôi bảo tồn và tái thả lại tự nhiên; phấn đấu đạt 100% các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ có phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực đa dạng sinh học cao và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời từ nay đến năm 2030, tập trung ưu tiên vào các dự án lớn, gồm: điều tra, đánh giá tình trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; xây dựng và triển khai mô hình thí điểm bảo tồn tại chỗ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; xây dựng và triển khai mô hình thí điểm nhân nuôi, tái thả phục hồi quần thể các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị đe dọa tuyệt chủng...
Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng không chỉ nổi bật với cảnh quan hùng vĩ mà còn sở hữu hệ sinh thái phong phú, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài được ghi danh trong Sách đỏ Việt Nam như: vượn Cao Vít, khỉ mặt đỏ, gà lôi trắng, rắn hổ chúa... Hệ động vật bao gồm nhóm động vật có xương sống và không xương sống được phân bố chủ yếu trong các khu vực bảo tồn loài sinh cảnh Trùng Khánh, Hạ Lang và Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén.
Nhằm bảo vệ và phát huy giá trị đa dạng sinh học tại địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” bao gồm quy hoạch hệ thống khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học: 01 Vườn Quốc gia, 05 khu bảo tồn loài - sinh cảnh, 05 khu bảo vệ cảnh quan và 02 hành lang đa dạng sinh học. Thông qua các hoạt động bảo tồn giá trị di sản và thúc đẩy phát triển bền vững, CVĐC Non nước Cao Bằng đã và đang góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, duy trì cân bằng sinh thái và bảo vệ các loài nguy cấp trước tác động của biến đổi khí hậu và con người.
Tác giả bài viết: Lương Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn