Trong tâm thức của người Việt, đền chùa không chỉ là chốn linh thiêng, trang nghiêm mà còn gần gũi, gắn bó với đời sống tinh thần của cộng đồng. Đi lễ chùa đầu năm là dịp để mọi người cầu mong bình an, may mắn cho gia đạo, thể hiện lòng hướng thiện, sự kính ngưỡng thần linh và trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hơn thế, giữa nhịp sống hối hả, giây phút tĩnh tâm nơi cửa chùa giúp mỗi người tạm gác lại lo toan, tìm về chốn thanh tịnh để lắng lòng và khởi đầu năm mới với tràn đầy hy vọng.
Khi đi lễ chùa đầu năm, ngoài việc dâng hương cầu phúc, cầu may, du khách còn có cơ hội hòa mình vào không khí rộn ràng của các lễ hội truyền thống, trải nghiệm những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc và tham gia nhiều phong tục ý nghĩa như hái lộc xuân, xin chữ đầu năm. Những tập tục này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là nét đẹp trong đời sống văn hóa người Việt.
Hái lộc đầu xuân là một phong tục lâu đời của người Việt. Trong quan niệm dân gian, cây cối tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, sự sinh sôi nảy nở. Khi xuân về, những chồi non nhú lên, biểu tượng cho khởi đầu mới tràn đầy năng lượng. Vì vậy, người đi lễ chùa thường hái một cành lộc nhỏ mang về với hy vọng có được sức khỏe dẻo dai, tài lộc dồi dào. Ngày nay, thay vì hái lộc, du khách có thể mua những chậu cây nhỏ, vừa giữ được ý nghĩa tâm linh vừa góp phần bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Xin chữ đầu năm là một phong tục đẹp, đề cao tinh thần hiếu học và tôn vinh tri thức của dân tộc Việt. Hình ảnh ông đồ bên bút lông, mực tàu, cẩn thận viết từng nét chữ trên giấy đỏ gắn liền với mỗi dịp Tết đến xuân về. Du khách thường xin những chữ mang ý nghĩa tốt lành như: Phúc, Lộc, Thọ, Tâm, Nhẫn để treo trong nhà, gửi gắm hy vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng, con cái học hành đỗ đạt…
Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được biết đến là miền đất hội tụ những giá trị di sản văn hóa đặc sắc và là nơi lưu giữ nhiều phong tục truyền thống, trong đó có nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm. Các lễ hội đền, chùa tại Cao Bằng thường diễn ra từ mùng 6 đến 30 tháng Giêng, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng, hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Đây là dịp để người dân bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ và gìn giữ đất nước. Vào những ngày lễ, các nghi thức cúng tế trang nghiêm được tổ chức, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham gia. Trong đó, nổi tiếng là các lễ hội truyền thống như Lễ hội đền Vua Lê (Hòa An), Lễ hội chùa Đống Lân, Lễ hội chùa Đà Quận, Lễ hội đền Kỳ Sầm (thành phố Cao Bằng)… Các lễ hội truyền thống không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo dấu ấn đặc biệt, thu hút du khách, góp phần quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa bản địa của CVĐC Non nước Cao Bằng đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hoá truyền thống, là hành trình tìm về giá trị tâm linh, nơi mỗi người gửi gắm niềm tin và ước nguyện về một năm mới bình an, hạnh phúc. Trong dòng chảy của thời gian, dù xã hội ngày càng hiện đại, phong tục này vẫn giữ nguyên giá trị thiêng liêng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.
Tác giả bài viết: Lương Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn