Nét đặc trưng của cảnh quan karst trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

Thứ năm - 20/02/2025 16:49
Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có nơi chúng ta có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái đất qua các dấu tích còn lại ở đây: các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, đặc biệt là các cảnh quan đá vôi là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hoá và sự thay đổi của Trái đất.
1
Cảnh quan karst trưởng thành tại xã Đức Long (Thạch An).

Địa hình Karst ở Cao Bằng có thể phân biệt 4 giai đoạn gồm: 1. Địa hình karst sơ khai; 2. Địa hình karst trẻ; 3. Địa hình Karst trưởng thành và Địa hình karst già (tàn dư). Chính sự phong phú về địa hình Karst đã tạo nên những vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng và đặc sắc trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.

Địa hình karst sơ khai chưa bị tác dụng hòa tan, rửa lũa, xâm thực sâu tạo hố, phễu, trũng. Do hoạt động đứt gãy mà chúng tạo nên chênh lệch địa hình dạng dãy, vì thế dọc theo đó có nhiều vách dốc dựng đứng biểu hiện là các địa hình karst dạng dãy.

Địa hình karst trẻ tập trung chủ yếu ở khu vực huyện Hà Quảng, trên diện lộ của đá vôi tuổi Carbon-Permi. Cách UBND huyện Hà Quảng chừng trên 100m về phía Nam, Đông Nam (195), thuộc khối karst nổi tiếng của Đông Bắc Việt Nam là khối Lục Khu, khối giảm dần độ cao từ 1.000 m ở phía Tây Bắc xuống còn 700m ở phía Đông Nam, chuyển tiếp dần vào vùng karst rất rộng lớn ở phía Đông đèo Mã Phục là cảnh quan karst non trẻ. Các lũng, phễu, hố sụt hình thành do hòa tan, rửa lũa, xâm thực sâu đá vôi chủ yếu có dạng đẳng thước, chưa ăn sâu đến cơ sở xâm thực địa phương, để lại các đỉnh nhọn dạng chóp nón liên kết nhau. Về mặt khoa học, bề mặt tích tụ này được gọi là cánh đồng ven rìa. Dãy núi đá vôi phía ĐB có dạng dãy, nguyên khối với các đỉnh ít bị phân cắt, liên kết kéo dài dạng sống trâu hoặc nếu tách biệt cũng trên những yên ngựa rất cao gần với đỉnh. Điều đó đã thể hiện quá trình ăn mòn hòa tan khối đá vôi tại đây cũng chỉ ở giai đoạn mới mẻ ban đầu và chưa phát triển đến kiểu địa hình đỉnh-lũng điển hình.

2
Cảnh quan Lục Khu (Hà Quảng).

Nếu như cảnh quan karst trẻ Hà Quảng đang tiến hóa đến giai đoạn trưởng thành sẽ là những dãy núi mang trong mình vẻ gập ghềnh, cheo leo và hiểm trở với trùng trùng điệp điệp các đỉnh liên kết và caren lởm chởm dạng tai mèo, thì cảnh quan karst tại Phong Nậm với địa hình cánh phía Tây Nam phản ánh quá trình tiến hóa karst giai đoạn trưởng thành, một phần do quá trình ăn mòn hòa tan, một phần do ảnh hưởng từ hệ thống đứt gãy kéo toạc mở rộng và liên kết đáy tạo nên các thung mở rộng liên thông dần với nhau và tiến hóa dần đến hình thành cánh đồng karst.

Các đỉnh núi đá vôi thể hiện giai đoạn karst già là các đỉnh karst liên kết cũng được hạ thấp mức yên ngựa, vài nơi hạ xuống tận cùng nền đồng bằng tích tụ, biến mất và kéo theo sự tồn tại của các đỉnh karst độc lập dạng chuông, nón tù. Nổi lên giữa cánh đồng rộng lớn, tồn tại một vài khối đá vôi sót độc lập hay cụm đỉnh riêng biệt trên đồng bằng tích tụ mà mang giá trị thẩm mỹ vô cùng đặc sắc và độc đáo. Chúng là các nón và tháp đan xen nhau tựa như những kim tự tháp và cột chống trời của tạo hóa vậy. Cùng với dải núi đá vôi kéo dài sừng sững uy nghi trên bề mặt cánh đồng hiền hòa rộng lớn, tất cả đã hòa quyện để tạo nên một vẻ đẹp kỳ vĩ nhưng cũng đầy thơ mộng

Cảnh quan karst là sản phẩm của quá trình rửa lũa karst và phong hóa hóa học ở khu vực nhiệt đới, thể hiện các giai đoạn hoạt động trong chu trình địa mạo karst.

4
Cảnh quan Kéo Yên (Hà Quảng).

CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng hứa hẹn sẽ là điểm đến khám phá về những dấu ấn của hoạt động Tân kiến tạo, khám phá về những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú - sản phẩm của quá trình phong hóa rửa lũa tự nhiên trong khu vực.

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản địa chất của CVĐC Non nước Cao Bằng một cách bền vững, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan, chính quyền các cấp, không thể thiếu sự đồng thuận tham gia và trách nhiệm của cộng đồng người dân địa phương. Thời gian tới, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tiếp tục triển khai các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về CVĐC cho cộng đồng dân cư, học sinh các trường THCS và THPT trong vùng CVĐC góp phần tăng cường nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy các di sản địa chất, văn hóa, cảnh quan và đa dạng sinh học.

Tác giả bài viết: Đoàn Ly

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây