VEX Robotics World Championship được xem là giải đấu robot lớn nhất thế giới, thu hút từ 2.400 đến 3.000 đội tuyển đến từ hơn 50 quốc gia phát triển. Năm nay, Việt Nam có tới 18 đội tuyển tham dự, thuộc nhóm các quốc gia có số lượng đội thi đông đảo nhất – minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của phong trào STEM trong nước.
Đến với đấu trường Robotics quốc tế năm nay, đội Robotics 11 của Trường THPT Chuyên Cao Bằng (mã số 36070M) gồm các học sinh: Phương Vy Hoàng (lớp 10 Toán); Nguyễn Trung Hiếu (lớp 10 Anh), Vũ Tuấn Dũng (lớp 10 Lý), Hoàng Khánh Hưng (lớp 10 Toán), Lương Nguyễn Gia Vỹ (10 toán), Lê Đỗ Bảo Khang (lớp 10 Anh), Hoàng Thị Phương Linh (lớp 11 Anh) dưới sự hướng dẫn của cô giáo Đỗ Thị Hương Trà, tổ phó chuyên môn tổ Hóa - Sinh, Chủ nhiệm Lâu lạc bộ STEM của Trường THPT Chuyên Cao Bằng.
Trải qua 3 ngày thi đấu (06 - 09/5/2025), đội Robotics 11 đã vượt qua 10 trận đấu Liên minh, 6 trận thi đấu kỹ năng và phỏng vấn của Ban giám khảo để xuất sắc giành được giải thưởng Judges Award ở hạng mục robot VEX V5 – một giải thưởng đặc biệt do Ban Giám khảo trao tặng nhằm vinh danh những đội tuyển có nỗ lực, phẩm chất và thành tích nổi bật. Đặc biệt, trong nội dung thi online theo chủ đề Thúc đẩy giáo dục STEM, đội Robotics 11 đã chiến thắng tất cả các đội tham dự để giành giải STEM Advocac, khẳng định vai trò của mình trong việc lan tỏa niềm đam mê STEM trong cộng đồng. Đội đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ, xếp hạng 49 thế giới trên tổng số 820 đội tham gia. Thành tích này không chỉ là niềm tự hào của nhà trường và tỉnh Cao Bằng, mà còn khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng vươn tầm quốc tế của tuổi trẻ Việt Nam trên bản đồ robotics toàn cầu.
Nhân dịp này, Ban Quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã phối hợp, hỗ trợ Đội Robotics 11 thực hiện hoạt động quảng bá giới thiệu về CVĐC thông qua gian hàng trưng bày tại sự kiện. Các nội dung tuyên truyền bao gồm: pano, áp phích, tờ rơi, ấn phẩm quảng bá, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số tại Cao Bằng, đồng phục áo CVĐC và các sản phẩm quà lưu niệm thủ công truyền thống như móc treo chìa khóa thổ cẩm, quạt giấy bản, sổ giấy bản nhuộm màu tự nhiên...
Thông qua hoạt động ý nghĩa này, hình ảnh CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được lan tỏa rộng rãi tới bạn bè quốc tế tham dự Cuộc thi, góp phần quảng bá di sản địa chất, văn hóa và thiên nhiên độc đáo của tỉnh Cao Bằng. Đồng thời, hoạt động còn giúp các em học sinh trong đội thi thêm phần tự hào và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản quê hương.
Tác giả bài viết: Lương Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn