Vượn Cao Vít - Trùng Khánh - Cao Bằng

Thứ bảy - 11/12/2021 23:12
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng, vùng đất chứa đựng những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử, cảnh quan, địa chất và giá trị đa dạng sinh học tầm cỡ quốc tế. Trong vùng CVĐC non nước Cao Bằng có một hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ rất tốt, đặc biệt là Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít, Trùng Khánh. Khu bảo tồn được UBND tỉnh Cao Bằng ra Quyết định thành lập số 2536/QĐ-UBND ngày 15/11/2006 với diện tích 1.656,80 ha trên phạm vi các xã Ngọc Khê, Ngọc Côn và Phong Nậm của huyện Trùng Khánh nhằm bảo tồn loài Vượn Cao Vít.
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh - Ảnh Đức Thọ
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh - Ảnh Đức Thọ

Vượn Cao Vít có tên khoa học là Nomascus nasutus, là một trong 25 loài Linh trưởng nguy cấp nhất thế giới đồng thời cũng là một trong 5 loài linh trưởng cực kỳ nguy cấp ở Việt Nam. Hiện nay, chúng chỉ còn được ghi nhận ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít, huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng và Vùng rừng liền kề thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bang Lượng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Loài vượn này được ghi nhận ở Việt Nam từ năm 1884 và đến năm 1965 thu được 3 tiêu bản ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Từ đó cho đến năm 2000, loài vượn này được coi là tuyệt chủng do không có bất cứ ghi nhận nào về sự tồn tại của loài. Mãi đến năm 2002, qua điều tra, khảo sát của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể với khoảng 26 cá thể còn tồn tại trong khu rừng nhỏ, thuộc 2 xã Phong Nậm và Ngọc Khê thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Với mục tiêu góp phần bảo tồn một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới, Dự án Bảo tồn vượn Cao Vít tại Trùng Khánh đã được tổ chức FFI tài trợ và bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2004.  Tổ chức FFI đã hỗ trợ thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít. Bên cạnh đó, Dự án đã hỗ trợ thành lập 2 tổ tuần tra rừng cộng đồng thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, giám sát đa dạng sinh học; triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo tồn loài vượn cho học sinh và cộng đồng dân cư địa phương; hỗ trợ người dân có những giải pháp bền vững trong cải thiện sinh kế, qua đó góp phần bảo vệ, phát triển khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít.

Dự án hỗ trợ thành lập 3 nhóm sở thích chăn nuôi tại 3 xã thuộc khu bảo tồn, triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi tại các xóm xung quanh Khu bảo tồn, như trồng xoan lấy gỗ, mác rạc lấy củi, cỏ voi chăn nuôi, xây bếp cải tiến và bể khí bioga, hỗ trợ giống ngô, hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc lúa, ngô, hỗ trợ thay thế guồng gọn bằng gỗ bằng guồng gọn sắt, triển khai các hoạt động phục hồi sinh cảnh...

Do quần thể Vượn Cao Vít sinh sống ở Khu rừng nằm giữa Việt Nam và Trung Quốc nên hoạt động bảo tồn Vượn Cao Vít còn nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cả tỉnh Quảng Tây Trung Quốc và tỉnh Cao Bằng Việt Nam. Từ nhiều năm nay hai bên đã tổ chức các chuyến thăm quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực hiện các hoạt động bảo tồn Vượn Cao Vít, hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần tra, họp giao ban bảo tồn Vượn Cao Vít liên biên giới. Đặc biệt từ năm 2011 tỉnh Cao Bằng đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) nhằm thúc đẩy hợp tác bảo tồn loài vượn Cao Vít quý hiếm đang sinh sống tại khu rừng đá vôi trên đường biên giới Việt-Trung.

Thêm vào đó nhờ sự quan tâm, đóng góp, ủng hộ và tham gia nhiệt tình của rất nhiều bên như Ban quản lý Khu bảo tồn Vượn Cao Vít, các cơ quan chính quyền các cấp trong tỉnh như Sở nông nghiệp phát triển nông thôn, Chi cục kiểm lâm tỉnh Cao Bằng, Ủy ban nhân dân huyên Trùng Khánh chính quyền các xã Ngọc Côn, Ngọc Khê, Phong Nậm,… các hoạt động của Dự án Bảo tồn vượn Cao Vít tại Trùng Khánh đã góp phần đem lại hiệu quả trong sản xuất nông, lâm nghiệp và nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ Khu bảo tồn và bảo vệ loài vượn Cao Vít quý hiếm.

Theo những cuộc điều tra gần đây quần thể Vượn Cao Vít hiện nay đã tương đối ổn định, số lượng đàn ghi nhận khoảng 22 đàn với 134 cá thể. Trong các cuộc tổng điều tra đều ghi nhận được số lượng con non chiếm tỷ lệ khá cao, từ 8%- 15% (tương đương từ 9- 13 cá thể). Sinh cảnh sống của Vượn Cao Vít được bảo vệ tốt và không ghi nhận được các mối đe dọa trực tiếp đến Vượn Cao Vít đây là một tín hiệu tốt cho sự phục hồi phát triển lâu dài của loài vượn này.

Nguồn tin: Tr.Th

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây