Hồn đá quê hương

Thứ hai - 22/04/2019 00:41

Thế giới đá vô cùng phong phú và đa dạng. Với muôn vàn loại đá khác nhau, từ đá quý như: Kim cương, Hồng ngọc, Lam ngọc, Ngọc lục bảo... đến các loại không được xếp hạng như đá vôi, đá cuội, đá sỏi... đều song hành cùng cuộc sống con người.

Đá được những người thợ tài hoa tạc thành chó đá thường đặt ở cổng làng, hoặc trước cửa nhà nhằm mong muốn canh giữ cho làng xóm bình yên, nhà cửa an toàn không bị trộm cắp nhòm ngó. Đá tạc thành voi đá, ngựa đá trang trí cho các lăng tẩm, cung vua thêm phần uy nghiêm. Rồng đá, nghê đá... cũng góp phần làm cho chùa chiền, miếu mạo tăng thêm độ linh thiêng. Đá cũng được con người nung làm vôi dùng cho ăn trầu, dùng để thau chua, rửa phèn cho các đám ruộng hay ngập nước...Ngay từ buổi sơ khai, loài người đã biết tận dụng các loại đá để phục vụ nhu cầu mưu sinh như: dùng hòn đá cuội để ghè, đẽo dùng làm xẻng, làm rìu, làm lao... Đá dần dần có mặt trong cuộc sống con người. Xã hội loài người ngày càng phát triển thì đá ngày càng được tận dụng. Đá làm tường rào để không cho gia súc, gia cầm phá hoại cây trồng và cũng là ranh giới để khẳng định chủ quyền của chủ nhân. Đá xây bờ ruộng, góp phần giữ đủ nước cho một vòng đời cây lúa, hứa hẹn một mùa vàng bội thu. Đá làm cầu vượt suối, vượt sông, đá góp phần làm những con đường lớn nhỏ nối liền nhiều vùng đất với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương. Đá xây nhà và luôn che chở cho biết bao thế hệ con người.

Xã hội loài người ngày càng văn minh thì các loại đá quý cũng được khai thác phục vụ nhu cầu làm trang sức, thậm chí cả trong lĩnh vực chữa bệnh như tim mạch, huyết áp. Đá dùng để tạc tượng các danh nhân văn hóa, các anh hùng liệt sĩ của dân tộc. Đá xây tượng đài, xây chùa chiền, miếu mạo.

Ở Cao Bằng, người Tày, Nùng, Lô Lô... có tục thờ thần đá. Ngày nay với nền tảng khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, đá được con người tận dụng tối đa để phục vụ cuộc sống. Đá được xẻ ra để ốp chân tường, ốp chân các tượng đài, đá làm bia mộ... Đá đời nào cũng vậy, song hành cùng loài người, tiếp sức cho con người dựng xây và kiến thiết cuộc sống. Đá trở thành biểu tượng của sự vững chắc, sự trường tồn.

Đá có nhiều công dụng trong cuộc sống con người. Từ buổi đầu mới tập đi, tập nói ta đã từng chứng kiến các anh lớn tuổi nhặt những hòn đá trên nương về đẽo gọt thành những viên bi màu xanh to bằng ngón chân cái, bằng ngón tay để chơi. Lúc ấy làm gì có những hòn bi ve, bi sắt như bây giờ.

Ta sinh ra trong căn nhà bằng đá hộc được xây vào những năm bốn mươi của thế kỷ 20. Thời ấy không có xi măng, các cụ lấy cát đồi trộn nhuyễn với vôi làm nên một thứ vữa vừa dẻo, vừa dính để kết dính các viên đá hộc lại với nhau, tạo thành bức tường vững chãi, làm nên những căn nhà sàn vừa lạ, vừa độc đáo, chỉ có ở vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Cối xay bằng đá. ( Ảnh: Báo Cao Bằng)

Những căn nhà sàn của dân tộc Tày, Nùng ở các huyện miền Đông của tỉnh thực sự là những lâu đài bất khả xâm phạm. Tường được xây bằng đá hộc dày từ 35 đến 45 cm, kèo nghiến, hoành nghiến, lợp ngói âm dương. Khung cửa sổ, khung cửa ra vào là những tảng đá xanh được đục đẽo công phu. Các chân cột kê bằng những hòn đá được đục đẽo rất đẹp. Các bậc thang là những tấm đá xanh, đen, hoặc trắng hình chữ nhật vuông vắn, khi đặt chân lên ta cảm thấy mát rượi. Nhà sàn được xây bằng đá hộc mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Trong nhà nhìn đâu cũng thấy đá. Đây chiếc cối giã gạo bằng đá cứ mỗi độ thu sang đêm đêm lại rộn ràng với hội giã cốm chày đôi, chày ba thơm lừng hương nếp non bao trùm cả xóm núi. Này đây chiếc cối xay bằng đá, cần cù bao đời xay không biết bao lứa bột ngô mịn màng để nuôi lớn nhiều thế hệ cháu con. Không chỉ ở trên nhà, mà dưới gầm sàn nhìn đâu cũng thấy đá. Đá lát nền chuồng trâu. Đá làm máng cho lợn ăn cám, ngựa ăn cỏ...

Dưới chân cầu thang là máng đá, hoặc chậu đá luôn đựng đầy nước dùng để rửa chân trước khi bước lên nhà. Và trong tâm khảm của mỗi người như đang thấy vọng lại tiếng khua nước của đôi chân cha dưới hiên nhà. Đá gắn bó suốt cuộc đời con người từ tấm bé bằng những viên bi nhỏ xinh xắn đến khi nhắm mắt xuôi tay được đánh dấu bằng những tấm bia mộ. Đá như cũng có hồn vẫy gọi ta về sống yên vui giữa quê hương.  



 

Nguồn tin: Mông Văn Bốn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây