Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy nhận định, Việt Nam nhấn mạnh việc phát huy các giá trị của tài nguyên tự nhiên và văn hóa là căn cứ quan trọng để làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch. Vì vậy, công tác điều tra tài nguyên du lịch đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình quản lý và phát triển ngành du lịch. Kết quả điều tra giúp làm rõ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết và đa chiều về tài nguyên du lịch, giúp công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương thống nhất, hiệu quả và bền vững cả trong lập quy hoạch, kế hoạch, cả trong khai thác và quản lý tài nguyên du lịch.
Luật Du lịch năm 2017 quy định cụ thể về công tác điều tra tài nguyên du lịch. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có phạm vi triển khai rộng khắp cả nước, đòi hỏi sự thực hiện bài bản, toàn diện và chi tiết đến từng địa bàn, từng loại tài nguyên nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng lâu dài. Trên cơ sở đó, năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch và Phương án điều tra tài nguyên du lịch, trong đó phân định rõ trách nhiệm của Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức thực hiện, đảm bảo hiệu quả và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Phó Cục trưởng đề nghị, các địa phương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai điều tra tài nguyên du lịch, gắn với công tác quản lý nhà nước, phục vụ hiệu quả cho việc lập quy hoạch, phát triển điểm đến và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và GS.TS. Bùi Thanh Thủy - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trình bày về các loại tài nguyên du lịch, hệ thống tiêu chí đánh giá tài nguyên du lịch, thang điểm đánh giá chi tiết; phổ biến sổ tay điều tra tài nguyên du lịch; quy trình tổ chức triển khai tài nguyên du lịch; hồ sơ tài nguyên du lịch; các biểu mẫu thu thập, tổng hợp thông tin điều tra tài nguyên du lịch. Đồng thời, Hội nghị cũng đã dành thờ gian để các đại biểu thảo luận, giải đáp về các vấn đề liên quan đến công tác triển khai điều tra tài nguyên du lịch.
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, ngày 25/6, các đại biểu tham gia khảo sát thực địa tại Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu Quốc tử Giám (Hà Nội) nhằm thực hành, vận dụng tiêu chí đánh giá vào thực tế.
Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng đã cử đại diện tham dự tập huấn với mục tiêu cập nhật kiến thức chuyên môn, tiếp cận các chính sách mới và nâng cao năng lực điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch tại vùng CVĐC. Đây là cơ hội để đơn vị học hỏi kinh nghiệm, kết nối với các địa phương bạn, góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn, khai thác hiệu quả tài nguyên và phát triển du lịch bền vững tại Cao Bằng.
Hội nghị tập huấn lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành bức tranh tổng thể về tài nguyên du lịch quốc gia, từ đó định hướng chiến lược phát triển du lịch đồng bộ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tác giả bài viết: Lương Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn