Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới

Thứ tư - 16/07/2025 14:46
Ngày 12/7/2025, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) diễn ra ở Paris (Pháp), Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng) chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là Di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam, cùng với Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng).
ảnh số 4
Phiên thảo luận về Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới. (Nguồn: Cục Di sản văn hóa) 

Trong không khí vui mừng tại Kỳ họp, lãnh đạo và chuyên gia các nước thành viên của UNESCO đã nhiệt liệt chúc mừng Đoàn Việt Nam nhân sự kiện Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản Văn hóa Thế giới.

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi - được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Phật giáo Trúc Lâm đã sản sinh nhiều giá trị đặc sắc, đóng góp bền vững cho di sản văn hóa và tinh thần của nhân loại. Bắt nguồn từ không gian núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đại diện cho một hệ thống triết lý khoan dung, nhân ái và tinh thần vị tha của Phật giáo. Phật giáo Trúc Lâm thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa Việt Nam. Những giá trị tư tưởng và văn hóa này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cốt lõi của UNESCO: thúc đẩy giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình, đề cao tinh thần tự chủ, sự hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên, và tôn trọng quy luật của tự nhiên.

Thông qua hệ thống đền tháp, am thất, tuyến hành hương, bia đá, mộc bản và các di tích được bảo tồn cẩn trọng trải dài từ Yên Tử đến Vĩnh Nghiêm và Côn Sơn – Kiếp Bạc, di sản này phản ánh trọn vẹn tiến trình phát triển của Phật giáo Trúc Lâm: từ thời kỳ hình thành, thể chế hóa, đến giai đoạn phục hưng và lan tỏa các giá trị nhân văn, sáng tạo sâu sắc. Các địa điểm di tích, được hình thành qua nhiều thế kỷ, không chỉ mang tính lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật mà còn là trung tâm tôn giáo và điểm đến hành hương tâm linh của hàng triệu người mỗi năm.

Việc Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới là minh chứng cho sự hội tụ độc đáo giữa Nhà nước – Tôn giáo – Nhân dân trong quá trình hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây cũng là biểu hiện sinh động của cảnh quan linh thiêng được tạo lập từ sự tương tác sâu sắc giữa con người và thiên nhiên, và là nơi hun đúc một hệ thống đạo đức dựa trên tình yêu hòa bình, lòng bao dung, sự tu dưỡng cá nhân và tinh thần giao hòa với vũ trụ.

chùa đồng
Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử. (Nguồn: Hồ sơ đề cử di sản thế giới)

Các Di sản thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận không chỉ góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa và thiên nhiên đặc sắc, mà còn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đồng thời, việc ghi danh các di sản này cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa chung của nhân loại.

Tác giả bài viết: N.T.M.C

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây