Hành trình khám phá tuyến du lịch phía Đông “Trải nghiệm văn hoá bản địa ở xứ sở thần tiên”

Thứ sáu - 18/07/2025 16:38
Hành trình khám phá tuyến du lịch phía Đông “Trải nghiệm văn hoá bản địa ở xứ sở thần tiên” của Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng đưa du khách ngược dòng thời gian tìm về nơi giao thoa kỳ diệu giữa thiên nhiên hùng vĩ và kho tàng văn hoá truyền thống phong phú của cộng đồng bản địa.
Đèo Mã Phục BQL – Đã sửa (1) (1)
Điểm di sản đèo Mã Phục (xã Trà Lĩnh).

Dọc theo quốc lộ 3 về phía Đông, khung cảnh thiên nhiên dần hiện ra như một bức tranh thủy mặc sống động với những dãy núi đá vôi sừng sững, cánh đồng lúa xanh mướt trải dài và bản làng yên bình nép mình dưới chân núi. Càng đi sâu, du khách càng cảm nhận rõ vẻ đẹp nguyên sơ, tĩnh lặng của miền đất mang trong mình lớp trầm tích địa chất hàng trăm triệu năm. Tất cả tạo nên bản hòa ca dung dị giữa thiên nhiên và truyền thống văn hóa nơi miền biên cương.

Mở đầu hành trình là điểm di sản đèo Mã Phục (xã Trà Lĩnh) - một trong những con đèo đẹp nhất của tỉnh Cao Bằng. Với chiều dài hơn 3,5 km, nằm ở độ cao 700m so với mực nước biển, đèo Mã Phục uốn lượn quanh co 7 tầng dốc giữa hai dãy núi đá vôi dựng đứng. Khoảng 260 triệu năm trước khu vực này có nhiều núi lửa hoạt động ngầm dưới biển. Dung nham núi lửa phun lên trong nước biển bị nguội đột ngột tạo thành các cầu gối xếp chồng lên nhau, minh chứng cho quá trình vận động kiến tạo mạnh mẽ trong lịch sử địa chất Trái đất. Bên cạnh đó, đèo Mã Phục còn là một điểm di sản phi vật thể gắn với truyền thuyết vào thế kỷ XI, thủ lĩnh người Tày Nùng Trí Cao trong một lần tuần tra biên giới đã gặp con đèo hiểm trở này, ngựa ông khuỵu xuống không thể tiếp tục hành trình, từ đó con đèo được đặt tên là “Mã Phục”, nghĩa là “ngựa quỳ”.

Mắt thần núi 4 (1)
Điểm di sản Mắt Thần núi (xã Trà Lĩnh).

Tiếp nối hành trình khám phá tuyến du lịch phía Đông, du khách sẽ dừng chân tại Mắt Thần núi (xã Trà Lĩnh) – một trong những điểm di sản nổi bật mang giá trị địa chất tầm quốc tế của CVĐC Non Nước Cao Bằng. Mắt Thần núi thực chất là một hang động tròn xuyên suốt, có đường kính khoảng 50m và cao khoảng 50m so với mặt hồ. Đây là kết quả của các chuyển động nâng kiến tạo địa chất gần đây, khiến địa hình vùng núi đá vôi thay đổi đáng kể. Hang động hình thành trong cảnh quan karst dạng tháp ở độ cao khoảng 650–700m so với mực nước biển. Vào mùa mưa, nước hồ dâng cao, mặt nước phẳng lặng soi bóng núi non trùng điệp, tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình. Khi mùa khô đến, lòng hồ rút nước, để lại thảm cỏ xanh mướt trải dài như một thảo nguyên giữa đại ngàn. Cảnh sắc ấy mang vẻ đẹp hoang sơ pha chút kỳ vĩ, khiến nơi đây trở thành điểm dừng chân đầy cuốn hút trong hành trình khám phá miền biên viễn.

Trên tuyến du lịch phía Đông, du khách có dịp khám phá các làng nghề truyền thống, nơi người dân địa phương ngày ngày miệt mài giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa được truyền lại từ bao đời. Tại làng Dìa Trên (xã Quảng Uyên), nghề làm giấy bản truyền thống được duy trì qua nhiều thế hệ, gắn liền với tín ngưỡng dân gian và các nghi lễ tâm linh của người Nùng An. Quy trình làm giấy hoàn toàn thủ công, từ chọn nguyên liệu, giã, lọc bột cho đến phơi giấy, tất cả đều thể hiện sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng nơi đây.

LCDL8608 – Đã sửa
Nghề làm hương truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ tại làng hương Phja Thắp (xã Quảng Uyên).

Tiếp nối hành trình, du khách có thể ghé thăm làng hương Phja Thắp (xã Quảng Uyên) - một trong những làng nghề truyền thống được công nhận cấp tỉnh với lịch sử hơn 100 năm. Hương ở Phja Thắp được làm hoàn toàn từ thảo mộc tự nhiên như: quế, bồ kết, bầu hắt… tỏa ra mùi thơm dịu nhẹ, mang theo hơi thở thanh khiết của núi rừng, thấm đẫm không gian làng quê biên viễn. Ghé thăm nơi đây, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Nùng An quây quần trước hiên nhà sàn mộc mạc, đôi tay thoăn thoắt se từng que hương. Mỗi công đoạn đều được bà con chăm chút với sự khéo léo và trân trọng, như thể họ đang tiếp nối một nếp sống, một phong tục lâu đời được truyền lại từ tổ tiên.

Đặc biệt, tại làng rèn Pác Rằng (xã Quảng Uyên), ngày ngày, tiếng búa đập vang vọng và ánh lửa bập bùng từ những lò rèn thủ công vẫn đều đặn thắp lên nhịp sống của một nghề truyền thống lâu đời. Năm 2019, Nghề rèn của người Nùng An tại xã Phúc Sen đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ những đôi tay cần mẫn và lò rèn thô sơ, người dân tạo nên các nông cụ sắc bén, bền chắc, nổi tiếng khắp vùng và được thương lái từ nhiều nơi tìm đến. Những sản phẩm ấy không chỉ phục vụ sản xuất mà còn chứa đựng tinh hoa của một nghề tổ truyền được lưu giữ qua bao thế hệ.

Pác rằng 1 – Đã sửa (1)
Năm 2019, Nghề rèn của người Nùng An tại xã Phúc Sen đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Không gian làng nghề không chỉ lưu giữ ký ức văn hóa, tiếng nói dân tộc và nếp sống cộng đồng mà còn phản ánh sinh động bản sắc từng vùng miền. Ghé thăm nơi đây, du khách có cơ hội trải nghiệm chân thực đời sống thường ngày, tìm hiểu phong tục tập quán, khám phá quy trình sản xuất sản phẩm thủ công và cảm nhận rõ nét vẻ đẹp văn hóa bản địa được gìn giữ và trao truyền qua bao thế hệ.

Rời những làng nghề truyền thống, hành trình tiếp tục đưa du khách đến với động Ngườm Ngao (xã Đàm Thuỷ) – một trong những hang động đẹp và kỳ vĩ bậc nhất của miền núi phía Bắc. Với chiều dài hơn 2.000m, bên trong động là thế giới thạch nhũ lung linh được kiến tạo qua hàng triệu năm, với vô số hình thù kỳ ảo như: thác vàng, thác bạc, cột chống trời, đài sen úp ngược, ruộng bậc thang... Từ năm 2021, tuyến du lịch trải nghiệm nhánh Bản Thuôn dài gần 3km được đưa vào khai thác, mang lại trải nghiệm mới lạ cho du khách yêu thích mạo hiểm khi phải trèo qua vách đá, lội suối trong bóng tối và khám phá những cung đường còn nguyên vẹn nét hoang sơ.

DSC1528 – Đã sửa
Động Ngườm Ngao (xã Đàm Thuỷ).

Nằm bên tỉnh lộ 206, trên đường vào khám phá động Ngườm Ngao, làng đá Khuổi Ky (xã Đàm Thuỷ) là một ngôi làng cổ độc đáo thuộc quần thể Khu du lịch thác Bản Giốc, được hình thành cách đây hàng trăm năm, với diện tích trải rộng khoảng 10.000m². Trải qua bao thăng trầm của thời gian, ngôi làng cổ với những nhà sàn làm bằng đá độc đáo vẫn giữ được phong tục tập quán truyền thống và vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc nhuốm màu huyền thoại giữa không gian bao la của núi rừng biên giới.

Cách động Ngườm Ngao 4km, thác Bản Giốc (xã Đàm Thuỷ) được đánh giá là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, là thác nước lớn thứ  4  thế giới trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia và  lọt  top 10  thác  nước  kỳ  vĩ  nhất  thế giới. Từ xa nhìn lại, thác Bản Giốc hiện lên hùng vĩ với những dải nước trắng xóa đổ xuống qua nhiều tầng đá, tung bọt nước mờ sương. Âm thanh thác đổ vang vọng giữa núi rừng đại ngàn, ngân nga như một bản hùng ca bất tận của thiên nhiên. Du khách có thể ngồi bè tre ra gần chân thác để ngắm nhìn toàn cảnh, cảm nhận làn nước mát lành; hoặc tham gia tuyến du lịch xuyên biên giới tại khu cảnh quan Bản Giốc – Đức Thiên để thưởng ngoạn thác từ nhiều góc nhìn độc đáo và mới mẻ hơn.

IMG 20250610 173830 – Đã sửa
Du khách tham quan thác Bản Giốc (xã Đàm Thuỷ).

Không xa thác Bản Giốc, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc (xã Đàm Thuỷ) tọa lạc trên núi Phia Nhằn – là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng nơi địa đầu biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Mang đậm nét kiến trúc Phật giáo truyền thống, ngôi chùa không chỉ là điểm tựa tâm linh của người dân vùng biên, mà còn là chốn thanh tịnh cho những ai tìm về sự an yên giữa bộn bề cuộc sống. Từ sân chùa phóng tầm mắt ra xa, khung cảnh hùng vĩ của thác Bản Giốc và dòng Quây Sơn hòa cùng màu xanh bạt ngàn của ruộng đồng, núi non tạo nên một bức tranh thơ mộng, yên bình. Không chỉ là nơi hành hương thanh tịnh, chùa Trúc Lâm Bản Giốc còn là điểm ngắm cảnh lý tưởng, nơi hội tụ vẻ đẹp linh thiêng và sâu lắng trong hành trình khám phá miền di sản.

Bên cạnh những điểm đến du lịch nổi bật, tuyến phía Đông của CVĐC Non nước Cao Bằng còn ẩn chứa nhiều địa di sản mang giá trị địa chất, cảnh quan và văn hoá đặc sắc như: Miếu Bách Linh, Mỏ nước thần, Cọn nước, Cảnh quan Thoong Gót… Mỗi điểm dừng chân là một mảnh ghép góp phần hoàn thiện bức tranh đa sắc về thiên nhiên và văn hóa miền non nước. Trên suốt hành trình, du khách có cơ hội hòa mình vào những trải nghiệm văn hóa khó quên: lắng nghe làn điệu Then sâu lắng, tiếng đàn tính ngân vang giữa núi rừng; thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị bản địa như xôi trám, vịt quay, lạp sườn hun khói… Tất cả tạo nên một bản giao hưởng của ký ức và cảm xúc, kết nối con người với thiên nhiên, văn hóa và di sản Cao Bằng.

Khép lại hành trình khám phá tuyến phía Đông, du khách mang theo dư âm của miền biên viễn, nơi vẻ đẹp lặng lẽ tỏa sáng qua di sản, văn hóa và tinh thần cộng đồng. Trên nền tảng ấy, CVĐC Non nước Cao Bằng tiếp tục viết nên câu chuyện phát triển hài hòa giữa bảo tồn, gìn giữ và đổi mới từ chính tri thức bản địa và niềm tự hào quê hương.

Tác giả bài viết: Lương Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây