Chủ động ứng phó rủi ro thiên tai trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

Thứ hai - 21/07/2025 15:36
Trước những biến động khó lường của khí hậu và rủi ro thiên tai, việc chủ động xây dựng năng lực ứng phó tại cộng đồng không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là bước đi chiến lược nhằm bảo vệ môi trường sống, bảo tồn di sản và hướng đến phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng.
z6617568632011 c95067272e7e14d7812cc5143de2c34d – Đã sửa
Tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng về phát triển bền vững gắn với ứng phó thiên tai trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.

Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tiếp tục phát huy vai trò chủ động trong công tác phòng, chống rủi ro thiên tai, tai biến địa chất. Đơn vị đã và đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý điểm đến, di tích và cơ sở lưu trú để thường xuyên cập nhật thông tin dự báo khí tượng thủy văn, xây dựng các phương án ứng phó phù hợp với đặc điểm địa hình, quy mô và tính chất hoạt động của từng khu vực. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được triển khai sâu rộng, hướng tới đối tượng du khách và người dân sinh sống trong vùng CVĐC.

Không dừng lại ở các giải pháp ngắn hạn, Ban Quản lý CVĐC tích cực lồng ghép nội dung ứng phó thiên tai vào các chương trình tập huấn, khảo sát tại địa phương gắn với định hướng phát triển bền vững của CVĐC toàn cầu UNESCO bao gồm bảo vệ môi trường sống, bảo tồn di sản và tăng cường sinh kế cho người dân. Trong đó, việc kết nối chuyên gia, chính quyền và người dân địa phương nhằm nâng cao hiểu biết, kỹ năng ứng phó rủi ro thiên tai đang trở thành nền tảng quan trọng cho việc xây dựng các mô hình phát triển du lịch xanh, thích ứng và bền vững.

z6617568735779 cda5cff81a66ea929b16fce3e5ed243a – Đã sửa
 PGS.TS Trần Tân Văn, Thành viên Ban Cố vấn Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) chia sẻ về chuyên đề Nhận diện các vấn đề về tai biến địa chất và thiên tai tại lớp tập huấn.

Một ví dụ tiêu biểu là lớp tập huấn về phát triển bền vững gắn với phòng, chống giảm thiểu rủi ro thiên tai, tai biến địa chất cho cộng đồng dân cư khu vực dễ bị ảnh hưởng trong vùng CVĐC, do Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tổ chức vào ngày 19/5/2025. Lớp tập huấn có sự tham gia của đại diện chính quyền cơ sở cùng cùng các học viên là đại diện UBND, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm của các xã Ca Thành, Thể Dục, Yên Lạc, Tĩnh Túc, Vũ Nông, huyện Nguyên Bình (nay là xã Ca Thành, xã Tĩnh Túc). Đặc biệt, lớp tập huấn có sự tham gia giảng dạy và chia sẻ kiến thức chuyên môn của PGS.TS Trần Tân Văn, Thành viên Ban Cố vấn Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản). Nội dung tập huấn tập trung vào các chuyên đề: quản lý, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững; kiến thức và cơ sở pháp lý về biến đổi khí hậu; thực trạng và giải pháp thích ứng; nhận diện vấn đề biến đổi khí hậu, tai biến địa chất; dự báo, cảnh báo và chủ động phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực và kỹ năng ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thảm họa. Tại lớp tập huấn, các học viên đã trao đổi, thảo luận các vấn đề thực tiễn về ứng phó với biến đổi khí hậu, tai biến địa chất tại CVĐC Non nước Cao Bằng. Các ý kiến thực tế từ cơ sở được chia sẻ, góp phần làm rõ hơn những thách thức hiện hữu và đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương.

z6768006729875 e1bd90ddee8e92d656c3a6b7d60e1d1d
Khảo sát thực địa, đánh giá hiện trạng môi trường, địa hình và địa chất tại một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai biến địa chất tại xã Ca Thành.

Tiếp nối lớp tập huấn, ngày 20/5/2025, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tổ chức khảo sát thực địa tại xóm Khuổi Ngoạ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình (nay là xã Ca Thành). Tại buổi khảo sát, chuyên gia và các học viên đã trực tiếp đánh giá hiện trạng môi trường, địa hình và địa chất tại một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai biến địa chất. Những ghi nhận tại hiện trường là cơ sở quan trọng để xây dựng phương án cảnh báo sớm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do tai biến địa chất, góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực.

Đặc biệt trong mùa mưa bão, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng chú trọng kiểm tra, đánh giá định kỳ hệ thống hạ tầng, các điểm di sản và cơ sở đối tác trên bốn tuyến du lịch trải nghiệm. Đồng thời, đơn vị tích cực tham gia góp ý, đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn công trình, gìn giữ cảnh quan môi trường tại các điểm di sản, góp phần nâng cao năng lực cộng đồng trong công tác phòng ngừa và chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan.

z6768006280291 0447672ddb23734e13ab0d6944256bcc – Đã sửa
Đoàn khảo sát đánh giá hiện trạng môi trường, địa hình và địa chất tại xã Ca Thành.

Việc nâng cao nhận thức và hành động thực tế về rủi ro thiên tai không chỉ góp phần giảm thiểu thiệt hại, mà còn thúc đẩy phát triển du lịch xanh và bảo vệ môi trường sống an toàn cho cộng đồng. Đây là nền tảng thiết yếu để để xây dựng mô hình phát triển thích ứng, bền vững trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng, sẵn sàng trước những thách thức ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.

Tác giả bài viết: Minh Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn cần trở thành thành viên của nhóm để có thể bình luận bài viết này. Nhấn vào đây để đăng ký làm thành viên nhóm!
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây