Cao Bằng có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Thứ hai - 14/07/2025 11:41
Ngày 27/6/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định ghi danh 3 di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của tỉnh Cao Bằng vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là những giá trị văn hóa tiêu biểu, gắn liền với đời sống tín ngưỡng, tinh thần và bản sắc riêng của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn.
z6802509108001 ec1f8e13626f8ee48708fbb14b319dc8
Sách cổ viết bằng chữ Nôm Tày.

Ba di sản được ghi danh gồm: Chữ Nôm của người Tày; kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền (phân bố chủ yếu tại xã Tam Kim và Thành Công); và nghệ thuật vẽ tranh thờ của người Dao Đỏ tại xã Thanh Long.

Chữ Nôm Tày là loại hình chữ viết cổ, hình thành từ nhu cầu ghi chép tiếng nói dân tộc, dựa trên việc vay mượn và cải biến chữ Hán. Loại chữ này từng được sử dụng rộng rãi trong thơ ca dân gian, truyện kể, sách thuốc, văn khấn…, phản ánh trình độ nhận thức và khả năng sáng tạo của người Tày. Việc được công nhận là di sản quốc gia đánh dấu bước quan trọng trong hành trình bảo tồn ngôn ngữ thiểu số đang dần mai một.

LCDL7961 (2)
Kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền được trao truyền qua nhiều thế hệ.

Kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền thuộc loại hình tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống. Người Dao Tiền dùng sáp ong vẽ họa tiết lên vải, sau đó nhuộm chàm để tạo nên những bộ trang phục độc đáo, thấm đẫm yếu tố tâm linh và bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi hoa văn không chỉ phản ánh đời sống tín ngưỡng mà còn gửi gắm khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Dao Tiền tại Cao Bằng.

Trong khi đó, tranh thờ của người Dao Đỏ là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ tín ngưỡng. Các bức tranh được vẽ thủ công bằng chất liệu tự nhiên như than, đất, rễ cây… thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan và niềm tin sâu sắc về thần linh, tổ tiên. Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa yếu tố thẩm mỹ, tín ngưỡng và giáo dục văn hóa tâm linh.

1
Nghệ thuật vẽ tranh thờ của người Dao Đỏ tại xã Thanh Long. Ảnh: Văn Tiệp.

Ba di sản văn hóa phi vật thể của Cao Bằng được ghi danh cấp quốc gia không chỉ khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc mà còn tạo động lực để địa phương tiếp tục gìn giữ, phục hồi và phát huy tinh hoa văn truyền thống trong đời sống đương đại. Đây là minh chứng cho nỗ lực của tỉnh trong công tác bảo tồn và tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời là tiền đề quan trọng để gắn kết văn hóa với phát triển du lịch, kinh tế – xã hội bền vững trong giai đoạn mới.

Tác giả bài viết: Minh Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây