Nghề chế tác đàn tính không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ mà còn là sự kết hợp giữa tài năng, kinh nghiệm và tình yêu đối với âm nhạc truyền thống. Chế tác đàn tính không đơn giản, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, kiên nhẫn và am hiểu về từng công đoạn. Đàn tính được chia làm 6 bộ phận chính: bầu đàn, thân đàn, mặt đàn, con ngựa, dây đàn, chốt dây.
Để có một cây đàn tính đạt tiêu chuẩn, âm thanh phát ra trầm bổng thì phải lựa chọn quả bầu già, tròn trịa, vỏ dày, kích cỡ không quá to hoặc quá nhỏ. Quả bầu được cắt bỏ phần trên, bỏ ruột, ngâm với nước vôi trong khoảng ba ngày để tránh mối mọt và để khô tự nhiên. Gỗ được sử dụng làm cần đàn thường là những loại gỗ nhẹ, bền, dễ gia công, không dễ bị cong, vênh. Sau khi chuẩn bị được đầy đủ nguyên vật liệu, người thợ sẽ tiến hành khoét rỗng bên trong quả bầu để tạo không gian cho âm thanh vang vọng. Sau đó, người thợ sẽ gọt giũa, mài mịn để tạo ra một hình dáng phù hợp, giúp tăng cường độ vang của đàn. Cần đàn có chiều dài trung bình khoảng 80cm - 1m tùy thuộc vào sải tay người sử dụng đàn. Phía đầu cần đàn được chạm hoa văn, họa tiết dân tộc và gắn tay vặn điều chỉnh dây đàn. Phần mặt đàn được chế tạo bằng gỗ, cắt mỏng đo vừa mặt của quả bầu; con ngựa được làm bằng gỗ, đặt giữa mặt đàn để chống các sợi dây đàn, tạo khoảng cách rung khi chơi đàn. Dây đàn sẽ được kéo dọc từ thân đàn qua mặt đàn, được kết nối với các chốt dây. Thông thường đàn tính truyền thống có 3 dây; tùy thuộc vào vùng miền và mục đích sử dụng (đệm hát giao duyên hay đệm múa, hát then) mà được người thợ chế tác. Khi chơi để có thể chỉnh âm điệu người chơi sẽ sử dụng các chốt dây bằng gỗ được cố định ở đầu cần đàn để điều chỉnh độ căng của dây đàn tạo độ trầm bổng.
Người thợ chế tác đàn tính thường là người yêu thích, đam mê âm nhạc truyền thống, có nhiều năm kinh nghiệm có khả năng cảm nhận âm nhạc sâu sắc. Nghề này đòi hỏi một sự tinh tế trong từng chi tiết, từ việc lựa chọn nguyên liệu cho đến quá trình gia công. Một trong những thách thức lớn đối với việc gìn giữ nghề chế tác đàn tính hiện nay là nguy cơ mai một đội ngũ thợ thủ công truyền thống. Trong bối cảnh công nghệ hiện đại phát triển mạnh mẽ, các loại nhạc cụ sản xuất công nghiệp dần thay thế sản phẩm thủ công. Đáng lo ngại hơn, giới trẻ ngày nay ít còn mặn mà với nghề, dẫn đến sự đứt gãy trong việc truyền nghề giữa các thế hệ. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm và nỗ lực trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, nghề chế tác đàn tính đang từng bước được phục hồi và phát triển. Các nghệ nhân tích cực tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, trưng bày sản phẩm và truyền dạy kỹ năng cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị của âm nhạc dân gian trong đời sống đương đại.
Nghề thủ công chế tác đàn tính là một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Việc giữ gìn và phát huy nghề chế tác đàn tính không chỉ giúp bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Tác giả bài viết: Thu Thuỷ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn