Sự cần thiết của việc xây dựng bộ máy Ban quản lý của CVĐC toàn cầu UNESCO tại Việt Nam đủ mạnh

Thứ bảy - 11/12/2021 23:05

Danh hiệu Di sản thế giới của UNESCO là một hoạt động mang tính khoa học, được tổ chức UNESCO chủ trì trên cơ sở Công ước quốc tế về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới, ra đời năm 1977. Hiện có trên 150 quốc gia thành viên thừa nhận tính pháp lý và hiệu lực của Công ước này.

Ảnh 38
Danh hiệu CVĐC toàn cầu

Những lợi ích tiềm năng khi thành lập một CVĐC là: Du lịch tăng trưởng; Tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương; Gia tăng nhận thức về môi trường địa chất cho người dân; Bảo tồn di sản địa chất, bảo vệ môi trường; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Theo hướng dẫn trong Sổ tay vận hành và quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO thì “một CVĐC toàn cầu cần phải được quản lý bởi một đơn vị có tư cách pháp nhân rõ ràng, và được Pháp luật công nhận và sự quan tâm của chính quyền địa phương; có đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu công việc; có nguồn tài chính ổn định; và có sự tham gia công tác quản lý CVĐC của cấp chính quyền cao nhất ở địa phương”. Do vậy xây dựng một BQL CVĐC có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu theo các tiêu chí của Mạng lưới CVĐC toàn cầu là cần thiết.

Ảnh 39
Ông Trần Tân Văn, Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Thành viên Ban tư vấn chuyên môn, Mạng lưới CVĐC toàn cầu Khu vực Châu Á TBD trao đổi về thực trạng công tác quản lý Mạng lưới CVĐC tại Việt Nam.

Theo ông Trần Tân Văn Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, hiện nay mô hình quản lý các khu di sản, khu dự trữ sinh quyển và CVĐC của Việt Nam (bộ máy, con người, tài chính, hoạt động…) và cơ sở pháp lý của các mô hình còn khá mới mẻ và chưa có một cơ chế thống nhất về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của đơn vị quản lý những danh hiệu này. Qua thực tế cho thấy rằng mô hình quản lý các CVĐC Việt Nam thực chất còn rất mới mẻ, không thống nhất và thiếu hành lang pháp lý cùng với sự quan tâm đúng mực ở địa phương và thiếu cơ quan chủ quản cấp Bộ... Hiện tại Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý các di sản thế giới lại không quy định gì về danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO hoặc Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới mặc dù cùng là các chương trình/danh hiệu chính thức của UNESCO, do Nghị định 109/2017/NĐ-CP chỉ triển khai Luật Di sản hiện hành.

Theo Ông Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO, hiện nay trong Mạng lưới CVĐC Toàn cầu và Mạng lưới CVĐC khu vực Châu Á TBD, mô hình quản lý và vận hành CVĐC toàn cầu tại mỗi quốc gia có thể có sự khác biệt về cơ cấu và cách thức vận hành tuy nhiên các CVĐC toàn cầu vẫn cần đáp ứng được các yêu cầu về một số nội dung như: chất lượng của đội ngũ nhân sự và nguồn tài chính hoạt động... Theo đó các Ban quản lý phải xây dựng trên cơ sở đa ngành nhiều lĩnh vực như địa chất, bảo tồn, môi trường, hoạch định chính sách, giao thông, xây dựng, văn hóa, du lịch, truyền thông, maketing, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên kỹ thuật...và Lãnh đạo phải sử dụng được ngoại ngữ (tiếng Anh) tốt, chuyên môn tốt; Số lượng nhân lực phải đảm bảo theo quy mô diện tích…; phải có nguồn tài chính tốt và bền vững (đặc biệt là nguồn từ thuế, phí và hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp)…

Hiện nay công tác quản lý vận hành CVĐC tại mỗi địa phương của Việt Nam cũng chưa có sự thống nhất, và gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC toàn cầu tại Ban quản lý các CVĐC của Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ngãi. Ban quản lý CVĐC Cao Nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang ban đầu là một đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, tuy nhiên sau một thời gian hoạt động Ban quan lý lại được đưa về sáp nhập với Trung tâm xúc tiến du lịch thuộc sở VHTTDL Hà Giang, và sau đó lại được tách ra thành một đơn vị độc lập trực thuộc sở VHTTDL Hà Giang và do 01 đ/c Phó G.Đ Sở làm Trưởng Ban quản lý. Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng được thành lập từ năm 2015 và hoạt động theo hình thức kiêm nghiệm, trong năm 2019 tỉnh Cao Bằng cũng đã ban hành Quyết định thành lập Ban quản lý CVĐC Non nươc Cao Bằng hoạt động theo hình thức chuyên trách và trực thuộc Sở VHTTDL Cao Bằng. Đối Ban quản lý CVĐC của tỉnh Đắc Nông và Quảng Ngãi thì hiện nay Ban quản lý trực thuộc VP UBND tỉnh và do đ/c Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã làm Trưởng Ban. Từ thực tiễn hoạt động của các Ban quản lý cho thấy rằng khó khăn chủ yếu các đơn vị gặp phải là thiếu hành lang pháp lý cụ thể về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, cơ sở vật chất trang thiết bị hoạt động, nguồn thu, chi cho hoạt động của Ban quản lý; Thiếu cơ quan chủ quản Trung ương… nên nhiều địa phương khá lúng túng trong xây dựng mô hình quản lý, vận hành và tạo nguồn thu; có địa phương còn thay đổi mô hình bộ máy vài lần như Ban quản lý CVĐC Cao Nguyên Đá Đồng Văn, Hà Giang…, Bên cạnh đó là vấn đề về nhận lực. Hầu hết hiện nay tại Ban quản lý CVĐC của các tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, một số Ban quản lý thì vẫn còn hoạt động theo hình thức kiêm nghiệm, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ… Điều này đã gây ra một số hạn chế trong việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ về bảo tồn và phát triển CVĐC để phục vụ phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Chia sẻ với những khó khăn và hạn chế trong công tác quản lý, vận hành và phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO tại Việt Nam, Bà Trần Thị Hoàng Mai, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO cho rằng mô hình CVĐC Toàn cầu rất phù hợp với Việt Nam: Vừa bảo tồn vừa phát triển bền vững, đặc biệt là những vùng xa xôi, miền núi hải đảo, khó khăn. Mặt khác, để giải quyết các khó khăn vướng mắc hiện nay, cần xây dựng giải pháp ngắn hạn và dài hạn, xin chủ trương sớm. Về quan điểm, các Ban quản lý cần phải có thực quyền; đủ năng lực; có hành lang pháp lý; nguồn lực tài chính và cần có mô hình thống nhất quốc gia đối với Ban quản lý các CVĐC.

Ảnh 40
Hoạt động du lịch Cộng đồng trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.

Đến nay Danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO đến đã và đang mang lại nhiều thay đổi tích cực trong công tác bảo tồn và phát triển du lịch, điển hình như danh hiệu CVĐC toàn cầu tại Hà Giang và Cao Bằng. Tại hai địa phương này, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển được đầu tư bài bản, các điểm di sản được khoanh vùng bảo vệ, và có hệ thống các tiêu chí về xây dựng và phát triển du lịch theo hướng bảo tồn và có sự tham gia theo các tiêu chí của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Tuy nhiên để phát huy được hiệu quả hơn nữa những tiềm năng của 1 CVĐC theo đúng tiêu chí và yêu cầu của UNESCO đối với một CVĐC toàn cầu thì việc nghiên cứu xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế quản lý thống nhất từ trung ương cho đến địa phương cho Ban quản lý CVĐC để tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh cho việc triển khai các hoạt động về bảo tồn và phát triển CVĐC là cần thiết. Bên cạnh đó, việc quan tâm xây dựng một đội ngũ cán bộ Ban quản lý CVĐC đủ về số lượng và chất lượng cũng là một trong những yếu tố thiết yếu để duy trì, vận hành và phát triển danh hiệu CVĐC toàn cầu tại mỗi địa phương. 

Nguồn tin: P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây