Dân tộc Tày là dân tộc có số dân đông nhất trong hàng dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng. Địa vực cư trú của họ chủ yếu ở các thung lũng các dòng sông Bằng, sông Kỳ Cùng, sông Cầu, sông Gâm, sông Chảy... ( thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái...) Họ sống quây quần thành từng bản lớn (trừ bản mới lập gần đây) thường có từ sáu mươi nóc nhà trở lên. Bởi vậy, khi các nhóm người thuộc tộc người khác đến định cư trong vùng Tày rộng lớn thường chịu ảnh hưởng nhiều của người Tày như cùng dùng tiếng Tày làm tiếng chung trong giao lưu sinh hoạt, có nhiều thay đổi về lề thói làm ăn, thói quen, kể cả phong tục... Nhưng trong quá trình giao lưu giữa các dân tộc, người Tày cũng chịu nhiều ảnh hưởng của giao thoa văn hóa, bỏ nhiều phong tục, tập quán cũ không phù hợp, bảo tồn và tiếp thu, phát triển những thuần phong mỹ tục, trong đó có Tết tháng giêng cũng là ngày Tết lớn nhất trong năm.
Đồng bào Tày rất coi trọng cái Tết và chuẩn bị rất chu đáo và kỹ lưỡng cho ngày Tết. Trước khi bước vào mồng một Tết, bản Tày nhộn nhịp làm xong mọi thứ bánh tết như : Bánh bột pẻng khinh, pẻng dỏ thúa, ngậu vậy, sa cao, chà lam, khẩu sli... và bỏng bằng thóc nếp nổ gọi là thúc théc; trong đó, Khẩu si làm vất vả vì nhiều công đoạn hơn cả.
Cả bản vang lên rộn ràng tiếng cối giã bánh dầy, bởi người ta làm bánh kể hàng gánh. Bún thì ngâm gạo, xay bột nước rồi cho vào túi gạn nước sẵn. Lợn thì thường là ba bốn nhà chung nhau mổ một con nặng hơn tạ và pha chế xong từ ba mươi Tết... Hương vàng, tiền giấy cũng sắm xong ngày cuối cùng năm cũ. Bánh chưng thì gói cầu kỳ, công phu, bánh đóng khuôn, ít khi gói đùm, có bánh chưng xanh hay không là do quay mặt trái hay mặt phải của lá vào bên trong gói bánh... Nhân bánh có hai loại, đường hay mỡ. Đặc biệt, nhà nào cũng làm một đôi bánh chưng “pẻng mẻ ”(bánh mẹ) to dầy, nhân thật ngon (thường là thịt mỡ, đậu xanh, củ từ, đường phên, gừng Mông...)
Chiều tối, lợn gà, trâu bò... vật nuôi thả ở đâu thì lùa về nhà cho đủ.
Đêm ba mươi Tết, bánh chưng luộc đun lửa cả đêm (có thể đến mười tiếng đồng hồ cho bánh chín dền, vớt lên ép) ; người có sức khỏe tốt thì canh chảo bánh, người trong nhà thay nhau tắm đêm trừ tịch bằng nước đun lá kim ngân, quan niệm rằng, được vậy thì cả năm da dẻ mượt mà không có bệnh ngoài da hoặc đậu mùa ghẻ lở.
Đến giờ tí, tất cả dậy đón giao thừa.
Hương thơm thắp lên, cắm lên bàn thờ tổ tiên đã quét tước trang trí từ hôm trước, khói hương nghi ngút, cả nhà thơm lừng. Mâm bánh, lễ vật bưng lên bày trang trọng cúng tổ tiên. Chủ nhà khấn khứa cầu mong các bậc tổ tiên phù hộ độ trì trong năm con cháu làm ăn phát đạt, gặp may mắn... Hương đem cắm ngoài ngõ dẫn lối tổ tiên về nhà, thắp bàn thờ vua bếp, cắm hương trước chuồng trâu ngựa, chuồng lợn, chuồng gà vịt... Con gái lớn (hoặc con trai) mang theo bó hương và đôi thùng ra bến nước thắp hương và gánh về một gánh nước tinh khiết đầu năm. Cả bản tấp nập gặp nhau và chúc tết om sòm ngoài suối hoặc mỏ nước trong vắt. Tuổi đi học thì ngồi vào bàn mà đọc sách học bài để cả năm được thông minh... Với ngày nay, mọi việc nói trên làm gọn nhẹ rồi tất cả ngồi quây quần xem tivi nghe chủ tịch nước chúc Tết và đón Tết ở thủ đô...
Mồng một Tết, người Tày quây quần ăn tết ở trong nhà sum họp ấm cúng. Tất bật vẫn là người lớn lo làm bữa, nào bún, bánh, mổ gà, mổ vịt... chế biến món ăn thơm lừng.
Người Tày xưa nay coi trọng tuổi xông nhà mồng một. Tuy địa vị người phụ nữ ngày nay đã cao nhưng với xã hội (kể cả chị em) vẫn ngại đàn bà đến xông nhà, Quan trọng là xem tuổi người chủ nhà và tuổi của khách có hợp nhau mới được xông nhà. Tuổi tính theo Can thì tuổi Giáp hợp tuổi Kỷ, Ất hợp với Canh, Bính hợp với Tân, Đinh hợp với Nhâm, Mậu hợp với Quý. Hoặc theo hàng Chi thì cũng có nhóm tuổi hợp nhau thì mới đến xông nhà. Có bốn nhóm tuổi hợp nhau như sau: Thân Tí Thìn - Hợi Mão Mùi - Dần Ngọ Tuất - Tị Dậu Sửu.
Mồng một Tết mà được khách từ nơi xa đến xông nhà thì quý không gì bằng, nhưng cần biết tuổi của chủ nhà xem tuổi hợp mới được. Mặt khác, quan niệm của người Tày là mồng một tết kiêng đi chơi nhà khác, vì quan niệm đi như vậy là vải dài (đổ cái may mắn và phát tài cho nhà người khác). Khi đi thăm thân chúc tết cần lưu ý, có những nhà vì nguyên cớ gì đó không muốn tiếp khách, người ta cắm bên cửa một cành lá tươi (gọi là bâư phật) khách phải hiểu phong tục đành lẳng lặng quay về.
Mồng một Tết, gia đình còn phải lo đi xuất hành năm mới cầu lộc, cầu tài. Xuất hành phụ thuộc vào sao tốt xấu ngày đó, xem tuổi, giờ tốt, hướng đi... mà quyết định.
Một nét mới dần dần trở thành tập quán là bản người Tày họp mặt nhau ngày mồng một (khoảng chín giờ sáng) tại Nhà văn hóa xóm để chào cờ chung đầu năm, nghe đọc Lời chúc năm mới của Chủ tịch nước, công bố tổ chức vui Tết năm nay của xóm bản, góp tiền lạc quyên cho các giải thưởng vui xuân...
Mồng hai Tết gia đình tổ chức đi sêu Tết bên ngoại. Con gái cùng chồng con gánh lễ vật về thăm ngoại tỏ lòng biết ơn công lao nuôi dưỡng xưa kia của ông bà ngoại. Ông bà ngoại và những người lớn trong nhà sẽ mừng các cháu nhỏ và tuổi thiếu niên nhi đồng những phong bì bằng giấy điều, gọi là phong bao trong có tiền, nhiều hay ít tùy từng gia đình.
Mọi cuộc vui tổ chức đón xuân chung của xóm bản bắt đầu từ sáng sớm mồng ba tết...
Nguồn tin: Hoàng Triều Ân:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn