Những phong tục đón tết độc đáo của người Nùng Cao Bằng

Thứ tư - 08/12/2021 10:46
Xuân về trên bản làng.  Ảnh: Trần Trung Thành
Xuân về trên bản làng. Ảnh: Trần Trung Thành

           Người Nùng cũng giống như các dân tộc anh em khác, có những phong tục xưa rất độc đáo để đón tết cổ truyền và cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới.

          Từ trước 30 tết mỗi gia đình người Nùng đã chuẩn bị sẵn một cây củi lớn gọi là “ pỏ phầy” (Vua bếp) để nhóm bếp đêm giao thừa. Họ lên rừng chặt cây “ Ca liểng” và chọn một đoạn thân cây thẳng và chặt lấy 1 đoạn có chiều dài bằng 12 gang tay, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Sau đó bóc vỏ cây đi cho nhẵn, họ quan niệm như vậy con cháu sẽ không bị mụn nhọt, da dẻ mượt mà. Củi “ pỏ phầy” được dán giấy đỏ và buộc một chiếc bánh lưng còng. Vào đêm giao thừa khi con cháu trong nhà đã ngủ vắng hết, người phụ nữ chủ gia đình sẽ bắt đầu buộc một nén hương vào cây củi rồi cho vào bếp đun. Sau khi cây củi được đun cháy, họ phải luôn giữ cho than hồng trong suốt mấy ngày tết, như vậy vua bếp mới phát lộc cho gia đình được đầm ấm và có cuộc sống no đủ. Có một điều thú vị nữa là sau khi thức dậy vào sáng mùng 1 tết, người ta sẽ kiểm tra xem củi “ pác mu hay pác cáy” ( miệng lợn hay miệng gà) tức là nếu than củi cháy thành hình tròn thì năm đấy gia đình sẽ nuôi lợn tốt, nếu than củi cháy hình nhọn thì sẽ nuôi được nhiều gà. Củi Vua bếp sẽ được đun trong cả tháng giêng, đến khi chỉ còn một đoạn ngắn họ sẽ giữ lại đến ngày “ đắp nọi” sẽ đun hết phần còn lại, để đánh dấu kết thúc những ngày vui xuân và mọi việc trong năm mới sẽ hoàn thành đúng như dự định.

          Bữa cơm xum họp vào chiều cuối năm có một món ăn không thể thiếu đó là thịt vịt. Đồng bào cho rằng thịt vịt là để hóa giải những điều xui xẻo của năm cũ, Trong bữa cơm này mọi người sẽ ăn cho hết món thịt vịt nếu không những điều không may mắn sẽ đi theo sang năm mới.

          Cũng giống như nhiều dân tộc khác người Nùng cũng có tục lệ lấy nước mới Vào tờ mờ sáng của ngày mùng 1 tết, họ sẽ "đi mua" nước mới, những người đi thường là phụ nữa trong gia đình. Khi đi lấy nước họ mang theo ba que hương, một ít giấy tiền và đôi thùng gánh nước ra mỏ nước hoặc bờ suối của làng để lấy nước. Các gia đình sẽ thi nhau lấy sớm vì càng sớm nước càng trong và càng nhiều lộc. Trước khi đi lấy nước họ phải thắp hương lên bàn thờ xin phép tổ tiên, khi đến mỏ nước họ cắm hương cùng giấy tiền xuống đất, sau đó lậy 4 phương trời và khấn:

"Tháng Giêng năm mới
Con cháu đến mua nước mới
Năm mới nhiều điều tốt lành
Con cháu đến bán lại những điều xui xẻo
Bán những cái xấu đi xa
Lấy cái tốt về gần
Năm mới làm ăn tốt đẹp"

          Sau đó múc nước và đốt giấy tiền, việc này xuất phát từ lòng tin vạn vật hữu linh của đồng bào, thể hiện sự trao đổi giữa con người và vị thần cai quản nước. Trên đường về nhà họ sẽ không được phép đặt gánh nước xuống đất và không chào hỏi ai. Họ quan niệm như vậy sẽ tạo ra âm thanh khiến hồn nước sợ và không theo họ về nhà nữa.  Khi về đến nhà họ sẽ lấy nước mới pha chè dâng lên tổ tiên để thể hiện lòng thành kính. Một phần sẽ cho thêm lá thơm để đun nước rửa mặt họ quan niệm như vậy người lớn sẽ tỉnh táo hơn, còn trẻ nhỏ sẽ thông minh. Phần còn lại sẽ đem cho vật nuôi trong nhà uống để béo tốt.

Tục lấy nước đầu năm mới. Ảnh: Chu Đức Hòa

          Vào sáng mùng 1 tết, các cô gái trong các gia đình người Nùng sẽ dậy sớm làm “ khẩu théc” (bỏng gạo) . Tại những bản làng xưa, khi nhà nhà nổ bỏng, sẽ tạo ra âm thanh đôm đốp vang khắp xóm rất vui tai, tạo nên không khí rộn ràng tươi vui cho năm mới. Họ tin rằng hạt thóc nổ càng to thì gia đình năm ấy làm ăn càng phát đạt và vui vẻ.

          Về tục lễ thổ công, ngay từ đêm 30 tết, họ đã đem lễ vật đến lễ tạ tại miếu. Sang đến mùng 2, các gia đình tập trung tại miếu, một cụ cao niên đứng ra cầu khấn thổ công phù hộ cho dân làng năm mới mọi sự tốt lành, mùa màng bội thu.  Ngày đầu tiên của năm mới, xuất phát từ mong muốn cả năm sẽ gặp những điều tốt lành nên họ kiêng không tắm gội để thần tướng không bị hao mòn, không  giặt giũ để giữ phúc lộc. Kiêng không quét nhà giữ tài lộc, không cầm kim khâu vá để tránh bị người khác hại, không cho lửa cho nước để tránh mất đi may mắn, không đi chúc tết sáng mùng 1, không làm đổ vỡ, tránh cãi cọ…. Về ăn uống, họ kiêng thịt vịt, cá, thịt chó và lá hành, tỏi …

          Tất cả những phong tục xưa của người Nùng đó đều gắn với đời sống nông nghiệp của đồng bào cùng với tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Ngày nay, một số nét phong tục đón tết và kiêng cữ xưa kia vẫn còn được lưu giữ ở một số gia đình, điều đó góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên mảnh đất biên cương.

Nguồn tin: Hoàng Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây