Tết Nguyên Đán của dân tộc Tày – Nùng Cao Bằng qua văn hoá ẩm thực

Thứ bảy - 11/12/2021 23:53
Tết Nguyên Đán của dân tộc Tày – Nùng Cao Bằng qua văn hoá ẩm thực

            Như đã biết, dân tộc Tày Nùng ở Cao Bằng coi tết Nguyên đán là ngày Tết lớn nhất trong năm nên vào những ngày tết Nguyên Đán bà con dân tộc chuẩn bị rất chu đáo, vì vậy khám phá nét văn hóa ẩm thực cũng chính là cảm nhận nét văn hóa của dân tộc Tày Nùng.

          Tết Nguyên đán tiếng Tày, Nùng gọi là bươn chiêng pi mâứ, là tháng khởi đầu của năm mới. Thời gian diễn ra tết Nguyên đán trùng với tiết lập xuân, trải qua quá trình lịch sử, tết Nguyên đán của người Tày, Nùng đã tạo lập và giữ được bản sắc riêng thể hiện qua văn hóa ẩm thực.

           Món ăn của dân tộc Tày Nùng vào ngày tết Nguyên đán được chế biến từ những nguyên liệu trong tự nhiên gần gũi trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy nhiều món ăn của dân tộc Tày Nùng đã trở thành đặc sản nổi tiếng của địa phương.

          Trước tết bà con tất bật chuẩn bị gạo, mộc nhĩ, măng khô, lạp sườn, chọn những con lợn to nhất để thịt, thịt lợn được chế biến thành nhiều món như: Lạp sườn, thịt treo gác bếp... Việc chuẩn bị cho ngày tết được phân công đều cho mọi người. Đàn ông làm những việc như sửa sang bàn thờ gia tiên và dán giấy đỏ lên bàn thờ, hy vọng một năm mới gặp nhiều may mắn. Đàn bà chuẩn bị thức ăn dự trữ cho gia xúc, gia cầm, cọ rửa nông cụ, chuẩn bị lá dong và gạo nếp để gói bánh chưng, làm bánh khảo, khẩu sli, sắm sửa áo mới cho gia đình, chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo, giấy và vàng mã… để có được cái tết trọn vẹn nhất.

          Chiều ba mươi Tết, mọi việc trong nhà đã chuẩn bị xong, bữa cơm tất niên cúng tổ tiên được chuẩn bị khá tươm tất: Bánh chưng, thịt vịt (vì theo quan niệm của người Tày Nùng ăn vịt vào ngày này để bỏ đi mọi thứ không may mắn trong năm cũ và khi ăn không để thừa sang năm mới), thịt gà, nem rán, xôi, canh miến mộc nhĩ... Sau khi đã làm xong các công việc, cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên chiều 30 tết vui vẻ, đầm ấm.

          Vào ngày mùng một tết, mâm cỗ người Tày, Nùng cúng gia tiên nhưng không thể thiếu gà trống thiến, ngoài ra còn có thêm bánh chưng, bánh khảo, khẩu sli, rượu, vàng hương, hoa quả, bánh kẹo... cầu mong gia đình gặp nhiều may mắn, bình an, khỏe mạnh.

          Ngày mùng hai tết, người Tày, Nùng đi chúc tết gia đình bên ngoại. Lễ vật gồm con gà trống thiến, cặp bánh chưng, chai rượu, hoa quả; chiều mùng ba Tết làm cơm cúng, hóa vàng tiễn tổ tiên về trời.

          Có thể nói, tết Nguyên đán là Tết truyền thống của người Tày Nùng được diễn ra hàng năm, vì vậy nét văn hóa ẩm thực đặc trưng đậm đà bản sắc dân tộc đã trở thành phong tục tập quán lâu đời, vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa thể hiện sự gắn kết cộng đồng nên rất cần được gìn giữ và phát huy.

                                                                           

Nguồn tin:   Bạch Vân (sưu tầm - tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây