Thổ cẩm là sản phẩm dệt thủ công không thể thiếu trong đời sống của người Tày ở Cao Bằng. Thổ cẩm của người Tày rất nổi tiếng với những hoa văn đẹp mắt, sặc sỡ, mang đậm bản sắc dân tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nghề dệt thổ cẩm của người Tày Cao Bằng phát triển và được đánh giá có nhiều thổ cẩm đẹp nhất là ở các xã: Đào Ngạn, Phù Ngọc (Hà Quảng); Dân Chủ, Đức Long, thị trấn Nước Hai (Hòa An).
Màu sắc và hoa văn thổ cẩm của người Tày, Lũng Nọi, Hà Quảng.
Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Trên tấm thổ cẩm của người Tày thường có 6 màu chủ đạo, gồm: xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen. Từ các màu chủ đạo đó, người dệt đã pha chế các gam màu đậm, nhạt phù hợp theo ý tưởng cho từng sản phẩm. Cách bố cục họa tiết trên thổ cẩm rất đa dạng tạo nên những tấm thổ cẩm có hình dạng vô cùng đặc sắc. Các họa tiết thường được người Tày đưa vào thổ cẩm là những hình ảnh của những loài hoa, chim muông, thú quý..., thân thiện với đời sống, hòa quyện cùng mây trời, non nước thường ngày. Đây là nét riêng tạo nên thổ cẩm của người Tày Cao Bằng không thể lẫn được với thổ cẩm của người Tày ở những địa phương khác.
Hiện nay, xóm Lũng Nọi, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng là địa phương duy nhất ở Cao Bằng còn lưu giữ và phát triển được nghề dệt thổ cẩm của người Tày. Trong xóm có gia đình bà Nông Thị Thược (trong ảnh) theo nghề tới nay đã được bốn thế hệ và bà cũng là người dệt thổ cẩm dân tộc Tày đầu tiên ở Cao Bằng được phong tặng nghệ nhân làng nghề truyền thống. Gia đình bà được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng “ Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam ” ngày 27/8/2016.
Nguồn tin: Tr.Th
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn