Tri thức bản địa của một số điểm di sản trong vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng

Thứ ba - 07/12/2021 17:39
Tri thức bản địa hay Tri thức địa phương là nền tảng cơ bản cho việc thiết lập các quyết định liên quan đến địa phương trên mọi lĩnh vực của cuộc sống đương đại, bao gồm quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dinh dưỡng, thực phẩm, y tế, giáo dục và trong các hoạt động xã hội. Tri thức bản địa còn cung cấp chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra cho cộng đồng dân cư địa phương (World Band). Khác với những tri thức hàn lâm chủ yếu được hình thành thông qua môi trường giáo dục chuyên nghiệp, mang tính nghiên cứu và học thuật cao (Cao đẳng, Đại học), tri thức bản địa chủ yếu được hình thành qua quá trình nhận thức và kinh nghiệm từ các hoạt động lao động, sản xuất của con người tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội; những kiến thức này được bổ sung hoàn thiện dần dần và được truyền từ đời này sang đời khác chủ yếu thông qua hình thức truyền miệng như ca hát, truyền thuyết, sự tích… (Vũ Trường Giang, 2009).
Di sản địa chất có thể được hiểu là những đặc điểm địa chất nổi bật, cảnh quan địa mạo, và phong cảnh của một quốc gia được bảo tồn vì những giá trị xã hội gắn liền với chúng như về khoa học, giáo dục, văn hóa, giải trí, đa dạng sinh học. Di sản địa chất được bảo tồn để những tri thức về địa chất và xã hội gắn liền với chúng có thể được truyền lại cho những thế hệ tương lai…(Cục Công viên quốc gia Hoa Kỳ).
Công viên địa chất  là một vùng tự nhiên độc đáo có ranh giới rõ ràng, có một tập hợp các DSĐC có giá trị khoa học địa chất đặc thù làm chủ thể, phân bố trong một phạm vi nhất định, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và đồng thời chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử và văn hóa - xã hội. Do vậy việc xây dựng CVĐC thực chất là hướng tới việc bảo tồn thiên nhiên một cách tổng thể, tức là bảo tồn mọi giá trị di sản, từ các di sản trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, lịch sử, đa dạng sinh học, và DSĐC.  Xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC có thể được coi là một trong những cách tiếp cận hiệu quả để bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị di sản của một khu vực.  Bên cạnh đó CVĐC toàn cầu cũng quan tâm tới hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương bảo tồn những giá trị truyền thống thông qua việc giúp cộng đồng dân cư địa phương nhận thức được tầm quan trọng và tự hào về vùng đất mà họ đang sinh sống. Một trong những tiêu chí của CVĐC toàn cầu UNESCO đó là việc lồng ghép kiến thức bản địa hay tri thức địa phương với tri thức hàn lâm khoa học trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển của một vùng (Sổ tay hướng dẫn vận hành CVĐC toàn cầu UNESCO).
CVĐC Non nước Cao Bằng được UNESCO Công nhận vào tháng 4/2018. CVĐC Non nước Cao Bằng chứa đựng những giá trị đặc sắc, tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học, và đặc biệt là nhiều di sản địa chất. Những di sản địa chất này không những có ý nghĩa khoa học ở tầm cỡ quốc tế mà chúng còn gắn liền với kho tàng văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân cư địa phương. Đó chính là hệ thống những câu chuyện truyền thuyết, sự tích được gắn liền với những tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển của cộng đồng dân cư địa phương, những giá trị này có thể được coi là “phần hồn” của DSĐC. Đặc biệt hơn nhiều DSĐC độc đáo trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng còn được đồng bào dân tộc lý giải theo cách riêng của mình thông qua các truyền thuyết, sự tích…Chính sự kết hợp giữa những kiến thức khoa học và kiến thức bản địa này đã làm nên nét riêng hấp dẫn và độc đáo của CVĐC Non nước Cao Bằng ngày nay. Do vậy, bảo tồn những DSĐC cũng có nghĩa là góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa hóa phi vật thể của nhân loại. Bài viết này sẽ trình bày về một số giá trị tri thức bản địa trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng
Đèo Mã Phục
Đèo Mã Phục thuộc xóm Cao Xuyên, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hoà. Dài hơn 3,5km ở độ cao 700m trên mực nước biển qua 7 tầng dốc, đây là một trong những con đèo đẹp nhất Cao Bằng. Đèo uốn lượn quanh co giữa hai dãy núi đá vôi cao trong khi dưới chân đèo có một điểm di sản địa chất độc đáo. Tại đây, ở chỗ tiếp xúc với đá vôi (màu trắng) có thể thấy một loại đá khác màu xanh đen hình cầu, còn gọi là bazan cầu gối.
Ảnh 45
Điểm di sản địa chất Đèo Mã Phục
Bên cạnh giá trị đặc biệt về địa chất, đèo Mã Phục còn là một điểm di sản phi vật thể. Tích xưa kể rằng, giữa thế kỷ 11 thủ lĩnh người Tày là Nùng Trí Cao đã lãnh đạo nhân dân địa phương chống lại nhà Tống ở phía bắc. Trong một lần tuần tra biên giới trở về, đến địa phận xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa ngày nay, gặp con đèo cao quanh co, dốc đứng án ngữ trước mặt, ngựa của Nùng Trí Cao bị khuỵu chân không thể đi tiếp được nữa. Từ đó dãy núi được đặt tên là Án Lại và con đèo được đặt tên là Mã Phục (ngựa quỳ).
Về góc độ khoa học, Khoảng 260 triệu năm trước khu vực này có nhiều núi lửa hoạt động ngầm dưới biển. Dung nham núi lửa phun lên trong nước biển bị nguội đột ngột tạo thành các cầu gối xếp chồng lên nhau (dung nham cầu gối). Kích cỡ và màu sắc của các cầu gối thay đổi tùy thuộc vào thành phần của dung nham (bazơ, trung tính hay axit). Đa phần ta thường thấy các cầu gối nhỏ (đường kính dưới 1m), thành phần bazơ màu xanh đen, vì thế loại đá này được gọi là bazan cầu gối. Ngày nay, một lượng lớn các núi lửa hoạt động ngầm dưới biển nằm gần các khu vực kiến tạo tích cực, như các sống núi giữa đại dương. Mặc dù chúng hầu hết nằm sâu dưới đáy đại dương (phun ra dung nham bazơ), một số cũng tồn tại ở vùng biển nông (dung nham có tính axit hơn). Những núi lửa này có thể phun dung nham dưới nước và phun tro bụi, bom núi lửa và các loại khí... vào khí quyển. Ước tính hiện nay trên toàn thế giới có đến hơn một triệu núi lửa đang hoạt động ngầm dưới biển.
Quần thể hồ Thăng Hen và Mắt Thần núi
Quần thể Hồ Thăng Hen được ghi nhận gồm 36 hồ tự nhiên liên thông với nhau qua hệ thống các sông – hang ngầm, mỗi hồ cách nhau vài chục đến vài trăm mét, tất cả đều nằm trong vùng thung lũng rộng lớn thuộc xã Quốc Toản huyện Quảng Hòa và xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh. Tên hồ được đặt theo tiếng địa phương như: Thăng Vạt, Thăng Nà Ma, Thăng Hoi… Trong đó Thăng Hen là hồ lớn nhất và sâu nhất với chiều dài gần 2000m, rộng 500m và sâu 40m. Hồ được công nhận danh thắng cấp quốc gia năm 2001.
Ảnh 46
Điểm di sản địa chất Mắt Thần núi.
Từ góc độ địa chất, Quần thể hồ Thăng Hen phát triển trong đá vôi hệ tầng Bắc Sơn, ở nơi giao nhau giữa các hệ đứt gãy phương TB-ĐN, ĐN-TN. Các hồ nằm ở đáy các lũng kín, xung quanh là các đỉnh vẫn còn liên kết với nhau qua các yên ngựa thấp, tạo nên cảnh quan karst dạng cụm lũng-đỉnh điển hình. Các đỉnh khá bằng nhau, là tàn dư của một bề mặt san bằng ở độ cao khoảng 650m, trong khi đấy các lũng dao động trong khoảng 550-600m. Các ngấn nước cho thấy mực nước hồ dao động trong khoảng 20m xung quanh mức 600m. Một vài tầng hóa thạch quan sát thấy trong khoảng độ cao 600-650m trong khi hang hoạt động còn ở mức thấp hơn. Theo kết quả khảo sát năm 2012 của đoàn chuyên gia hang động Pháp-Việt, một phần hệ thống hang ngầm kết nối với hồ Thăng Hen phát triển tới 820m  theo phương á kinh tuyến và á vĩ tuyến và sâu tới -54m so với địa hình hiện tại. Khung cảnh hoang sơ gần như còn nguyên vẹn minh chứng mức độ bảo tồn đa dạng sinh học còn rất cao.
Để giải thích về sự hình thành của hệ thống 36 hồ này, người xưa đã xây dựng nên một câu chuyện tình của đôi trai gái. Ngày xưa có một chàng trai tên là Sung, thông minh tuấn tú, thi đỗ làm quan được ban thưởng bảy ngày vinh quy rồi lên đường vào kinh đô. Chàng Sung vừa đẹp trai lại tài giỏi đã làm nghiêng ngả trái tim của nhiều cô gái trong vùng. Lần này về nhà, gia đình muốn chàng lấy vợ trước khi vào kinh đô. Trong số các cô gái đẹp trong vùng nàng Boóc đã được gia đình và chàng để ý tới. Đám cưới của chàng Sung và nàng Boóc lập tức được tổ chức linh đình và nhanh chóng. Nàng Boóc đẹp lộng lẫy khiến chàng Sung mê mẩn, mải say sưa với người vợ mới cưới mà quên mất việc mình phải về kinh đô, cho mãi tới ngày thứ bẩy chàng mới sực nhớ ra sáng mai phải có mặt ở kinh đô, hoảng hốt vội vàng phải chia tay với bố mẹ và người vợ mới cưới, chàng lấy hết sức trai của mình để chạy, chàng mới chạy được 36 bước chân thì kiệt sức ngã khụy đầu đập vào núi rồi chết. Ba mươi sáu bước chân của chàng ngày nay trở thành 36 cái hồ lớn nhỏ với những tên gọi khác nhau ở vùng rừng núi của huyện Trùng Khánh.
Động Ngườm Ngao
Nằm ở bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh và được mệnh danh là đẹp nhất Việt Nam, động Ngườm Ngao (tiếng Tày nghĩa là động Hổ) được phát hiện năm 1921, đưa vào khai thác du lịch năm 1996 và được công nhận là danh thắng quốc gia theo Quyết định số 95/QĐ-BVHTTDL ngày 24/01/1998 của Bộ VHTTDL.
Động Ngườm Ngao phát triển trong đá vôi chứa nhiều hóa thạch San hô, Huệ biển, được tạo thành ở vùng biển cổ cách ngày nay khoảng 400 triệu năm. Xung quanh động là địa hình karst dạng cụm lũng-đỉnh trên bề mặt san bằng 400-600m với nhiều thung lũng treo, hố sụt karst. Động gồm một số nhánh có phương chủ yếu TB-ĐN. Trong động có nhiều buồng, tầng, bậc hang, hành lang đủ mọi kích cỡ; nhiều nhũ, măng, cột, rèm, riềm đá... đủ mọi hình dáng, được liên tưởng với những cây san hô, con tàu, thác vàng, thác bạc, đài sen úp ngược, cột đá cô đơn, ruộng bậc thang... Một dòng suối ngầm với tích tụ cuội sỏi cao đến hàng mét thoát ra sông Quây Sơn chảy rì rầm ngày đêm, phát ra âm thanh vọng vào vách hang nghe như tiếng hổ gầm, vì thế mà thành tên.
Theo tương truyền, xưa kia trong động có rất nhiều hổ dữ sinh sống nên người dân tộc Tày mới đặt tên động là Ngườm Ngao với ý nghĩa là: Động Hổ. Tuy nhiên có thuyết cho rằng những tiếng gầm rú được phát ra nhờ tiếng nước chảy từ suối trong động tạo nên nghe giống tiếng gầm của Hổ dữ vì vậy người dân đặt tên động là Ngườm Ngao.
Động Ngườm Ngao còn gắn với rất nhiều sự tích và truyền thuyết, trong đó có sự tích về đài sen úp ngược. Khi vào động Ngườm Ngao, nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy ở giữa hang là nhũ đá hình đài sen úp ngược. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một vị sư ngồi trên đài sen tu mãi mà không thành chính quả, vì quá buồn chán, phẫn chí nên ngài đã úp ngược đài sen xuống, còn mình thì biến thành cột đá đứng bên cạnh đài sen úp ngược đó.
THÁC BẢN GIỐC
Thác Bản Giốc gồm thác chính và thác phụ, rộng tổng cộng khoảng 300m. Thác chính nằm giữa biên giới Việt-Trung, rộng khoảng 50m, cao khoảng 35m và gồm ba tầng. Thác phụ, nằm hoàn toàn trong địa phận Việt Nam, dài 150m gồm một tầng cao khoảng 30m. Tại đây một đứt gãy phương ĐB-TN cắt qua đá vôi phân lớp mỏng và đá phiến sét của hệ tầng Bản Cỏng (D2gvbcg, cách ngày nay khoảng 383-388 triệu năm, có chứa hóa thạch Lỗ tầng) khiến cánh TB nâng lên và cánh ĐN hạ xuống mà thành thác.
Phía trên thác là cảnh quan quan karst từ trưởng thành đến già với địa hình dạng cụm đỉnh-lũng kết hợp với địa hình dạng tháp độc lập trên bề mặt san bằng 400-600m. Phía dưới thác là thung lũng đứt gãy sông Quây Sơn phát triển theo hướng TB-ĐN kéo dài hàng km với các vách đứt gãy và cánh đồng karst. Rừng dày cả phía trên và dưới thác, cùng với dòng nước sạch tung bọt trắng xóa quanh năm và các hoạt động sống của con người, chắc chắn sẽ cho du khách những trải nghiệm không thể nào quên.
Truyền thuyết kể rằng, có người con gái đẹp tuyệt trần được tiến vua nhưng liều mình trốn thoát cùng người mình yêu. Sau khi tìm được nhau, họ cùng chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Dân bản chứng kiến trời đổ mưa tầm tã cả tuần liền.
Nước ngập khe suối, không ai dám ra ngoài vì mưa to kèm sấm sét dữ dội. Kỳ lạ thay, khi mưa tạnh, người ta thấy có hai ngọn thác lớn đổ nước trắng xóa phía bên cạnh bản. Dưới chân thác, mặt nước lại trong xanh hiền hòa như không vướng víu bụi trần. Kể từ đó, người dân gọi nơi đây là thác Bản Giốc để tưởng nhớ về một thời gái bản tiến vua, cũng là niềm tự hào của người Tày với sắc đẹp trời ban.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây