Ở Cao Bằng, số lượng người Dao có khoảng khoảng 51.124 (chiếm 10,1% dân số toàn tỉnh), với hai nhóm là Dao đỏ và Dao tiền. Họ chủ yếu sinh sống ở vùng đồi núi thấp, vừa làm nương, vừa làm ruộng. Địa bàn cư trú tập trung tại các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thạch An; nhưng tập trung nhiều nhất là huyện Nguyên Bình, trong đó, xã Thái Học có 100% là người Dao đỏ, xã Hoa Thám gần 100% là người Dao tiền. Để phân biệt người Dao Đỏ và Dao Tiền thì điều dễ nhận biết là dựa vào trang phục của họ. Người Dao Tiền có tên như vậy là vì họ trang trí trên y phục của mình những đồng tiền xu bằng bạc; còn người Dao Đỏ thì chủ yếu sử dụng hai gam màu chính là đen và đỏ với 02 chuỗi bông đỏ được gắn trên áo của phụ nữ. Hoa văn trang trí trên trang phục của người Dao rất đặc sắc, phong phú, và thể hiện những những hình ảnh thiên nhiên gần gũi với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ như hình hoa lá, cỏ cây, con vật, tín ngưỡng…
Trang phục phụ nữ dân tộc Dao rất đặc sắc. . Trong đó Trang phục của nhóm phụ nữ Dao đỏ sặc sỡ và bắt mắt với những gam màu tương phản, mạnh, sáng chói như màu đỏ lửa, hồng, vàng tươi, trắng tuyết… được thêu hoặc gắn trên nền vải đen. Khăn (cà pha) dài 8 sải quấn quanh đầu như vành nón, bên người quấn che một dải vải (phả xí) thêu thùa nhiều họa tiết bằng chỉ đỏ, thắt lưng (xi lơ chin) được thêu thùa công phu với nhiều hoa văn cầu kỳ quấn vòng quanh eo bụng phủ xuống đằng sau ngang tà áo. Áo dài quá đầu gối, ống tay rộng trang trí viền, áo hở ngực, bên trong mặc yếm màu sáng nhạt, có hai chuỗi bông ngù (nom làng gẩu) mỗi bên có 8 bông. Quần (hầu tảo) ống rộng trang trí các ô vuông xanh hoặc đỏ, nâu, trắng. Ðằng sau lưng khoác vuông vải (nòm kie) thể hiện sự khéo léo và tài năng thêu thùa của người phụ nữ Dao đỏ.
Khác với trang phục Dao Đỏ, trang phục truyền thống của người Dao Tiền lấy 2 màu sắc chủ đạo là chàm và đen để trang trí. Đây là hai màu sắc tinh tế, nhã nhặn và hài hòa, khi kết hợp với hoa văn trên vải, tạo nên một bộ trang phục độc đáo và khác biệt.
Người Dao Tiền thường mặc kiểu dáng áo không cổ, 4 thân, xẻ ngực, xẻ tà khoảng 30cm, gồm 5 cúc, 1 cúc bạc tô và 4 cúc bạc nhỏ, dạng khuy, cúc giả. Xung quanh mép gấu áo thêu chỉ mầu, tà sau lưng cổ 4 – 5 viền chỉ các màu trắng, xanh, hồng và trong cùng là hoa văn, 2 tà trước phần thêu ở gấu áo luôn ít hơn tà sau 1 viền chỉ trắng, cổ tay áo cũng thêu các viền chỉ màu trắng, xanh, đỏ. Chiếc khăn trắng trên đầu “Xì miên” là một tấm khăn mang nhiều tình nghĩa. Tục truyền, được biết ở nơi xa xôi kia còn đất canh tác hoang hóa, người Dao tiền vốn nghèo đất cấy cầy, nghe vậy tuy trong nhà đang có đám ma, họ vội vã chôn cất bố mẹ xong là lên đường đi tìm đất mới. Ngày ra đi đội khăn trên đầu mầu trắng, đến ngày giỗ cất khăn tang, vì đời sống chật vật con cái không về quê cũ được, nên từ đó cứ đội mãi khăn tang trên đầu. Trên áo người Dao Tiền thêu các hoa văn hình trám, hình con chó, hình nhện và hoa (thêu ở 2 bên phía sau), đây cũng là đặc điểm riêng để phân biệt trên trang phục của người Dao Tiền.
Trên trang phục của người Dao tiền có một chi tiết đặc biệt là hình những con chó cách điệu độc đáo được thêu rất tỉ mỉ. Truyện xưa kể rằng: Bình Hoàng hay còn gọi là Bình Vương, được con chó tiên chạy đến nằm trước sân rồng. Vua thấy chó đẹp đem về nuôi chăm sóc tử tế. Gặp khi đất nước nguy biến, nước láng giềng của Cao Vương đem quân xâm lấn. Bình Vương hội tướng quân bàn cách đánh; nhưng đánh nhiều lần cũng không thắng. Con chó tiên xin đi đánh. Bình Vương hứa nếu chó tiên giết được Cao Vươngthì sẽ gả công chúa cho. Con chó tiên vượt biển đến ở nhà Cao Vương, nhân lúc Cao Vương say rượu, chó tiên cắn đứt cổ Cao Vương, ngoạm đầu đem về trình Bình Vương. Nhớ lời hứa, Bình Vương đem công chúa gả cho chó tiên, nhường ngôi cho trị vì đất nước. Chó tiên biến hóa thành người và lên ngôi báu Bàn Vương.
Nguồn tin: Trần Thùy
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn