Lễ hội Nàng Hai xã Yên Thành, huyện Phục Hòa

Thứ ba - 09/04/2019 11:52
Lễ hội Nàng Hai của người Tày nói chung, Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa nói riêng phản ánh tục thờ mẹ trong tín ngưỡng của người Tày. Theo tín ngưỡng dân gian của người Tày trên cung trăng có Mẹ Trăng và các nàng tiên. Mẹ Trăng cùng các nàng tiên hàng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân chúng. Lễ hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng cho hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống vui hội trần gian, thăm thú ruộng đồng, nhà cửa, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và giúp trần gian trong công việc làm ăn sinh sống, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sinh sôi nảy nở.   
Lễ hội Nàng Hai xã Yên Thành, huyện Phục Hòa

      Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành, với các nghi lễ diễn xướng cộng đồng là một lễ hội đặc sắc mang tính tổng hợp trong hệ thống các lễ hội Tày, bao hàm cả ba nội dung: Cầu mùa, cầu phúc và cầu nhân duyên. Về bản chất lễ hội này phản ánh tục thờ mẹ thông qua nghi lễ đặc trưng là xuất nhập hồn – một hiện tượng shaman giáo của tín ngưỡng nguyên thủy.

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có nhiều địa phương tổ chức lễ hội Nàng Hai như Phục Hòa, Thạch An, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Trùng Khánh và có ba hình thức biểu hiện chính. Lễ hội Nàng hai ở xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa là hình thức lễ hội đặc biệt hơn cả, mang đậm dấu ấn của các yếu tố lịch sử, ít nhiều có liên quan đến sự có mặt của nhà Mạc ở Cao Bằng. Tại địa bàn xã Tiên Thành có nhiều bản tổ chức lễ hội Nàng Hai đó là: Nưa Khau, Bản Giuồng, Ngườm Cuông, Bản Chập nhưng hầu như đã mai một, chỉ còn duy nhất  Bản Nưa Khau hiện vẫn duy trì tổ chức lễ hội Nàng Hai vào các năm chẵn.

          Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa ra đời từ khi nào đó là câu hỏi không dễ gì giải đáp. Chỉ biết rằng từ khi người nông dân có nhu cầu gửi gắm những ước muốn về mùa màng bội thu, họ gửi gắm lời ước nguyện của mình vào một nhiên thần nào đó, ở đây chính là Mẹ Trăng. Lễ hội Nàng Hai ra đời từ đó. Tuy nhiên, quá trình phát triển và tồn tại của Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa có liên quan đến sự có mặt của nhà Mạc ở Cao Bằng. Cho đến nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện tình cảm động giữa tướng quân Đinh Văn Tả và một người con gái, truyền rằng là một công chúa nhà Mạc -  Người liên quan đến tục lệ hát xướng trong lễ hội Nàng Hai ở Tiên Thành. Như chúng ta đã biết, nhà Mạc trước đây vốn bị coi là ngụy triều, tồn tại trên dưới 150 năm. Sử sách chép về nhà Mạc ở Cao Bằng rất ít, đôi chỗ không đầy đủ và chưa chính xác, nhất là thời gian cuối. Căn cứ vào các cứ liệu lịch sử, truyền thuyết dân gian và dựa vào các địa danh hiện còn tồn tại chúng ta có thể đoán định tương đối chính xác về những sự kiện lịch sử liên quan đến nhà Mạc diễn ra trên mảnh đất Cao Bằng và sự ảnh hưởng của của nó đến sự tồn tại và phát triển của lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa. Theo kết quả nghiên cứu, nhiều khả năng lễ hội này được khởi xướng và phát triển ở Tổng Lao (Tiên Thành) rồi lan sang các vùng khác. Nhờ sự có mặt của Nhà Mạc, của tướng Đinh Văn Tả, công chúa nhà Mạc, lễ hội này được tổ chức bài bản hơn.

         Nghiên cứu nội dung của lễ hội chúng ta thấy rõ, lễ hội Nàng Hai phản ánh cuộc sống hiện thực và tâm tư nguyện vọng của người Tày. Với người nông dân mối quan tâm lớn nhất của họ là mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc đầy chuồng… nguyện vọng ấy được thể hiện rõ nét trong lễ hội Nàng Hai.
 

Nàng Hai gieo hạt


 Nàng Hai chuẩn bị Nghi lễ gieo hạt.

    Đồng thời,lễ hội Nàng Hai phản ánh những truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Tày. Đoàn kết và tôn trọng giữa những người cùng trong cộng đồng, đó là nét ứng xử rất văn hóa của người Tày. Lễ hội Nàng Hai đã khơi dậy và quy tụ được mối đồng cảm đó. Đây là một lễ hội kéo dài nhiều ngày, là lễ hội diễn xướng cộng đồng, chưa kể còn nhiều thủ tục đòi hỏi phải có sự nhất trí cao trong quá trình tổ chức. Để có được một lễ hội Nàng Hai với quy mô như vậy, đó là một sự cố gắng, sự đoàn kết nhất trí của cả cộng đồng. Lễ hội còn là dịp mọi người gặp gỡ, trao đổi tăng thêm mối quan hệ bang giao thân tình.

           Sự tôn nghiêm và linh thiêng của lễ hội đã khiến cho ngày hội giữ được sự nghiêm túc từ ngày đầu đến ngày cuối. Đó cũng chính là sự biết tôn trọng nhau giữa những người trong cộng đồng.

          Kính già yêu trẻ cũng là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Tày. Trong lễ hội bao giờ người già cũng là người quyết định, sắp xếp mọi chuyện. Những việc hệ trọng của bản làng đều để người già xem xét, giải quyết. Người hướng dẫn hai Nàng Cường, Sở và các mụ nàng, mụ nọi là Mẻ Cốc là người cao tuổi và thông thạo mọi phong tục, tập quán và các nghi thức trong lễ hội. Ngược lại, người trẻ được nâng niu trân trọng. Lễ hội Nàng hai do các cô gái trẻ thanh tân đảm nhiệm, các người già chỉ đứng sau hậu trường chỉ đạo.

         Một giá trị nhân văn khác cần đề cập đến đó là vấn đề tự do hôn nhân trong quan niệm người Tày. Lễ hội Nàng hai kéo dài nhiều ngày, với tục mời bạn đến chơi để hát giao duyên đối đáp cũng là một trong những dịp tốt để trai gái các bản làng có điều kiện tìm hiểu kết nhân duyên.

         Lòng hiếu khách cũng là một nét đẹp được thể hiện rất rõ trong lễ hội Nàng Hai. Mọi người quan niệm nhà nào có nhiều khách thì càng nhiều may mắn. Ngày hội Nàng Hai là ngày bạn bè hội ngộ với tất cả sự cởi mở chân tình như tấm lòng người Tày. Đây thực sự là một thuần phong, mỹ tục cần giữ gìn và trân trọng.

           Lễ hội Nàng Hai là một lễ hội mang tính diễn xướng dân gian tập thể mà không phải lễ hội nào cũng có. Xuất phát từ những cảm hứng sáng tạo trong lễ hội, những bài lượn Hai trong lễ hội là tiếng nói đầy nhân văn, nhân ái của con người và cuộc đời qua các cung bậc tình cảm khác nhau.  Về từ ngữ, trong khúc hát có sử dụng nhiều hình ảnh gây ấn tượng, diễn biến linh hoạt tùy cảnh, tùy việc. .. Mặt khác, khúc hát cầu mùa còn là một kho từ vựng tiếng nói dân tộc Tày, qua đó có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu ngôn ngữ dân tộc Tày trong quá trình phát triển của nó. Các điệu múa sử dụng trong lễ hội tuy không nhiều nhưng có vai trò nhất định tạo nên không khí cuốn hút của ngày hội. Việc thực hiện các điệu múa phối kết hợp với các khúc hát đã tạo nên sự sinh động làm tăng thêm sự hấp dẫn của lễ hội.

         Ngoài ra, sự cuốn hút của lễ hội còn phải kể đến sự tham góp của các loại hình văn hóa khác như nghệ thuật trang trí nơi trình diễn lễ hội, nghệ thuật đẽo thuyễn gỗ và vẽ trang trí, nghệ thuật ẩm thực thể hiện trong các mâm lễ và cỗ mời khách, nghệ thuật làm các đồ tặng phẩm như chim én, giấy tiền …với màu sắc rực rỡ của các loài hoa dâng cúng Nàng Hai, sự nổi bật của trang phục Cường, Sở, của các mụ nàng, mụ nọi …đã gây được ấn tượng cuốn hút mạnh mẽ của lễ hội.

         Có thể nói, đến với Lễ Hội Nàng Hai xã Tiên Thành, huyện Phục hòa, ngoài nhu cầu tâm linh người ta còn được thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật. Lễ hội Nàng Hai thực sự là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của người Tày nói chung và của cộng đồng người Tày ở xã Tiên thành, huyện Phục Hòa nói riêng.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, Lễ hội Nàng Hai của người Tày xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2017.

Nguồn tin: Ngô Thị Cẩm Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây