Khi đến thăm bất kỳ một gia đình nào ở Quảng Hòa, thật không khó để nhìn thấy những vật dụng đan lát được chính gia chủ làm nên như: rổ rá, mẹt, sàng, thạ, làn, dậu, nón lá… Hiện nay, nghề đan lát thủ công ở Quảng Hòa đang tập trung phát triển chủ yếu ở các xã Tự Do, xã Hạnh Phúc các sản phẩm đan lát ở đây có thể đáp ứng cho nhu cầu đa dạng của thị trường như: sử dụng trong gia đình, trang trí, quà tặng,…
Nguyên liệu chính để tạo nên những sản phẩm đan lát là tre, nứa… của vùng núi đá vôi. Để có được một sản phẩm đan lát phải trải qua khá nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên, người thợ phải lên rừng, với kinh nghiệm đã được truyền dạy họ tự tay lựa chọn những cây tre, cây nứa già từ 2 năm tuổi trở lên, thân dài và thẳng thì sản phẩm mới bền, chắc và đẹp mắt. Sau đó là công đoạn chẻ và vót nan, mỗi sản phẩm cần độ dày, mỏng khác nhau nên người thợ phải vót từng thanh sao cho nhẵn, mịn và độ dày phù hợp. Tiếp đó, người thợ sẽ sử dụng sự sáng tạo của mình để đan, tạo hình thành những sản phẩm khác nhau. Sản phẩm có cân đối, đẹp mắt, chắc chắn hay không đều nhờ vào đôi bàn tay khéo kéo, trí óc sáng tạo và sự cần cù, tỉ mỉ của người thợ. Các sản phẩm đan lát đều được làm từ nguyên liệu tự nhiên và hoàn toàn an toàn cho sức khỏe của con người và môi trường.
Việc đan lát được người dân nơi đây làm quanh năm vào những lúc nông nhàn, các sản phẩm họ làm ra được sử dụng trong gia đình và họ còn mang đến các phiên chợ tại địa phương để bán cho các thương lái và người dân trong vùng. Ngày nay với xu hướng sống xanh nên nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủ công trên thị trường rất lớn. Hơn nữa, cùng với sự phát triển của nhu cầu du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa, các bản làng làm nghề đan lát tại Quảng Hòa đã và đang ngày càng thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của người dân địa phương. Người dân ở xã Tự Do, xã Hạnh Phúc cũng như các xã khác ở huyện Quảng Hòa đã phát triển nghề đan lát trở thành một trong những nghề góp phần tăng thêm nguồn thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho bà con nơi đây.
Trải qua thăng trầm của thời gian, nghề đan lát thủ công tại Quảng Hòa không chỉ duy trì được giá trị truyền thống mà còn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh công nghiệp hóa. Giữa muôn vàn sản phẩm công nghiệp hiện đại, sản phẩm đan lát truyền thống nổi bật bởi tính thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe, bền đẹp và tiện dụng. Từ nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người dân đã không ngừng sáng tạo, đa dạng mẫu mã và chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định. Ngày nay, người Tày, Nùng Quảng Hòa không chỉ duy trì nghề đan lát mà còn mở rộng diện tích trồng cây nguyên liệu, góp phần bảo vệ rừng và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến các thế hệ mai sau.
Tác giả bài viết: Thu Thuỷ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn