Đặc sắc các loại hình văn nghệ dân gian

Thứ hai - 22/04/2019 11:40

Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là nơi quần cư sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô... và lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa bản địa đặc sắc. Trong đó, nhiều loại hình văn nghệ truyền thống dân gian, dân ca, dân vũ được đồng bào lưu giữ đến ngày nay.

Nghệ nhân dân tộc Mông huyện Bảo Lâm luyện tập các làn điệu dân ca truyền thống dân tộc.

Mỗi dân tộc, mỗi địa phương có những loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng riêng... Về sân khấu, dân tộc Tày, Nùng có khá nhiều hình thức diễn xướng dân gian, trình diễn trong lề lối hát nghi lễ, hội. Đặc biệt, hát Dá hai là một dạng ca kịch, thuộc loại kịch thần thoại có 3 nhạc công, một trống, một sáo, một nhị có nội dung tư tưởng thẩm mỹ cao. Dân tộc Dao có nghi lễ: lễ cấp sắc, đám ma, cúng Bàn Vương, cúng trẻ ốm, lễ lúa mới... hình thức tổ chức mang tính chất gia đình, dòng họ và chỉ có thầy cúng hoặc người biết chữ Nôm Dao thể hiện. Dân vũ (múa) dân tộc Tày có múa Sluông chầu; dân tộc Nùng có múa quạt, múa khăn; dân tộc Dao có múa chuông, múa trống; dân tộc Mông múa ô, múa khèn; dân tộc Lô Lô có đánh trống đồng và múa lễ ma khô...

Đối với dân tộc Tày, hát Then - đàn tính, một hình thức sinh hoạt có vị thế quan trọng trong tín ngưỡng người Tày. Trong đời sống tinh thần người Tày, “Then” nghĩa “Thiên” - tức là Trời, vì thế hát Then được người Tày coi là điệu hát của thần tiên. Lời hát Then không chỉ là làn điệu dân gian được chắt lọc từ đời sống tinh thần, nhân sinh quan cuộc sống mà còn là những câu hát trữ tình, giàu nhạc điệu vừa khuyên răn vừa khích lệ trong lao động sản xuất, kinh nghiệm đối nhân xử thế trong đời sống hằng ngày, cách ứng xử với thiên nhiên.

Dân tộc Dao có hát Páo dung, đây là loại nghệ thuật dân gian lịch sử từ lâu đời, thể hiện chất trữ tình đằm thắm, mượt mà tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Dao. Các làn điệu Páo dung phản ánh cuộc sống lao động, sinh hoạt, phong tục, tập quán, lễ nghi và những tâm tư, tình cảm, khát vọng của người Dao trong cuộc sống. Hát Páo dung có ý nghĩa quan trọng trong quá trình bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Dao. Ngày nay, hát Páo dung được các nghệ nhân hát trong các buổi lễ liên hoan văn nghệ, giao lưu văn hóa hoặc trong các dịp lễ hội, được các tổ chức xã hội, các cấp chính quyền đứng lên tổ chức.

Dân tộc Mông, độc đáo nhất vẫn là thổi và múa khèn là loại nhạc cụ do chính họ làm ra - khèn Mông. Với cây khèn độc đáo này, người chơi thổi thành nhạc điệu cũng là đạo cụ múa thể hiện tài năng nghệ thuật khéo léo với các thế quay, nhảy. Trong ngày lễ hội, ngày vui, rủ nhau xuống chợ thì tiếng khèn Mông mượt mà, đằm thắm mời gọi bạn đi chơi xuân, xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn... Khi có đám tang, đám giỗ tiếng khèn thổi chậm và trầm lắng để chia buồn cùng gia đình tiễn đưa người mất sang bên kia thế giới… Hiện nay, múa khèn còn được dùng biểu diễn trong những dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại địa phương. 

Dân tộc Lô Lô trong lễ “Ma khô” hát trường ca  kết hợp với tiếng trống và những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng. Có bài hát tình yêu dài 2.000 câu là bài trường ca mang nội dung phong phú về tình yêu dành cho các đôi nam nữ hát đối nhau vào các dịp hội chợ ngày 30/3 hoặc 15/8 âm lịch hằng năm.
Hiện nay, mỗi dân tộc anh em trong 3 tuyến Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng còn lưu giữ nhiều loại hình văn hóa dân gian đặc sắc. Đến với mỗi tuyến của Công viên địa chất, bạn sẽ được trải nghiệm từng loại hình văn hóa dân gian độc đáo riêng của từng dân tộc trong cuộc sống thường ngày.      



 

Nguồn tin: Trường Hà ( Nguồn: Báo Cao Bằng)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây