Máng đá - Nét đẹp văn hóa của dân tộc Nùng An

Thứ ba - 16/04/2019 11:42

Xã Phúc Sen (Quảng Uyên) - một trong những điểm du lịch nằm trong tuyến phía đông của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm những làng nghề truyền thống như: Dệt vải, nhuộm chàm, làm hương, rèn nông cụ… Nhưng còn có điều thú vị mà nhiều người chưa biết đến, đó là chiếc máng đá nằm dưới mái hiên những ngôi nhà sàn của dân tộc Nùng An.

 

 

Một chiếc máng đá của người dân ở làng Phja Chang, xã Phúc Sen.

Máng đá của dân tộc Nùng An có hai loại: Máng sử dụng làm nghề rèn, máng để chứa nước rửa chân tay sau mỗi buổi lao động, sử dụng cho trâu, bò uống nước sau khi chăn thả về chuồng. 
Máng đá là sản phẩm sáng tạo công phu, độc đáo của đồng bào dân tộc Nùng An xã Phúc Sen tồn tại từ bao đời nay. Để có chiếc máng đá ưng ý, người thợ lên núi chọn đá, sử dụng các dụng cụ để đào, bẩy, cắt đá rồi chuyển về... tất cả đều bằng đôi tay, sức khỏe và dụng cụ thủ công, là hoạt động mang tính tập thể cao. Để có chiếc máng đá dài khoảng 1 m và cao 30 - 60 cm thì phải lựa được tảng đá có diện tích gấp ba lần máng đá thành phẩm, để lấy được đá tảng vận chuyển về đến gầm sàn nhà có khi cả tháng trời. Thợ làm máng đá phải có đôi mắt quan sát, biết tạo mặt bằng, góc, đế và đáy máng phù hợp với ngôi nhà, diện tích nơi chân cầu thang lên sàn nhà. Ông Nông Văn Dần, 85 tuổi, ở làng Phja Chang, xã Phúc Sen cho biết: Nhà nào ở làng cũng có máng đá từ đời cha ông để lại. Máng được làm thủ công qua bàn tay và khối óc của những thợ làm đá qua nhiều tháng mới hoàn thành. Khó có thể xác định được tuổi đời của máng đá ở các gia đình hiện nay. 
Máng đá của người Nùng An với nhiều hình khối khác nhau, từ hình tròn như miệng giếng nước đến hình chữ nhật, hình vuông, e-líp. Máng ở dưới chân nhà sàn thường có bậc trong lòng máng nhằm để người sử dụng đặt chân khô sau khi rửa mới bước lên sàn. Máng đá thường được kê ở vị trí dưới mái hiên nhà. Mái nhà lợp ngói âm dương nên khi mưa sẽ tạo dòng chảy xuống máng đá, người dân tận dụng nước mưa để sử dụng. Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa dân tộc vùng Đông Bắc đã phát hiện và chỉ ra một nét văn hóa tương đồng giữa người Tày và Nùng An: Trước khi đi lao động hay đi xa về nhà, họ thường rửa mặt, chân tay sạch sẽ, nhằm gột bỏ bụi bẩn cũng như mọi vất vả, ưu phiền để đem điều ấm áp, hạnh phúc về gia đình… Đó là quan niệm mang màu sắc văn hóa rất đẹp cần giữ gìn và phát huy.
Hiện nay, tại xã Phúc Sen còn khoảng gần 100 chiếc máng đá, nhiều nhất ở các xóm Phja Chang, Pác Rằng… Tuy nhiên, máng đá ở một số gia đình thường ít sử dụng hoặc chỉ sử dụng một phần công năng của nó, bên cạnh những vật dụng tiện lợi như bể nước, máy bơm… Giữa cuộc sống hiện đại, người ta lại có mong ước, khát vọng quay về với chất hồn nhiên, mộc mạc, với bản sắc văn hóa trường tồn trong những ngôi nhà sàn, tấm thổ cẩm... và trong những vật dụng “chân quê” như máng đá, được lưu giữ từ bao đời của đồng bào Nùng An. Khai thác, quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong phong tục, tập quán của người Nùng An nói chung và nét văn hóa độc đáo trong sử dụng máng đá là việc làm cần thiết, đặc biệt từ khi Cao Bằng được công nhận Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.



 

Nguồn tin: Sơn Hà - Báo Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây